Thực trạng P2P Lending
Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình cho vay ngang hàng ở Việt Nam vẫn phát triển một cách thận trọng do thiếu hành lang pháp lý chính thức. Theo số liệu thống kê của Chứng khoán VietinBank, trong nhóm các mô hình gọi vốn, gọi vốn cộng đồng chiếm tới 99,47% lượt nhắc đến trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến, trong khi cho vay ngang hàng chỉ chiếm 0,53% - phản ánh mức độ hiện diện rất thấp và phần nào thể hiện tâm lý e ngại của thị trường cũng như giới đầu tư.
Một số nền tảng P2P Lending trong nước có thể kể đến như Tima, Vaymuon hay Interloan đang hoạt động trong “vùng xám pháp lý”, chưa được cấp phép rõ ràng nhưng cũng không bị cấm, tiềm ẩn rủi ro cho cả người vay, người cho vay và nhà đầu tư.
Đáng lưu ý, nhiều công ty hoạt động dưới dạng sàn giao dịch kết nối người vay và người đi vay, nhưng trên thực tế có dấu hiệu tham gia vào quá trình xét duyệt hồ sơ, định giá rủi ro và thu phí/lãi suất, tiệm cận với hoạt động ngân hàng truyền thống, gây lo ngại rằng các nền tảng này trá hình tín dụng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Tiềm năng phát triển
Việc đẩy mạnh phát triển cho vay ngang hàng được đánh giá là rất tiềm năng, do Việt Nam có quy mô dân số hơn 100 triệu người, phần lớn nằm trong độ tuổi lao động (trên 68%), thu nhập bình quân đầu người tăng đều đặn và đạt khoảng 4.700 USD/người/năm (2024). Người dân có xu hướng ngày càng ưa chuộng các ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là các dịch vụ tài chính số như thanh toán điện tử, đầu tư online và vay tiêu dùng nhanh.
Trong khi đó, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam tuy đã cải thiện nhưng vẫn thấp hơn trung bình khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam đã tăng từ 31% năm 2017 lên khoảng 87,08% năm 2024. Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận dân số, đặc biệt ở khu vực nông thôn và các doanh nghiệp siêu nhỏ, chưa được phục vụ đầy đủ bởi hệ thống tài chính chính thức. Ngoài ra, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh các biện pháp kích thích tiêu dùng, phục hồi nền kinh tế, nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tăng cao, nhất là với các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo hoặc lịch sử tín dụng.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hiện đã được hợp nhất với Bộ Tài chính) cho biết, đến hết năm 2024, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 98% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Do đó, việc phát triển mô hình cho vay ngang hàng một cách an toàn và có kiểm soát không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, mà còn góp phần trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của IMARC Group, lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Việt Nam ước tính có quy mô 5,5 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 52,7 tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ước tính khoảng 10,2% trong giai đoạn 2025 - 2033 nhờ vào sự kết hợp giữa nhu cầu thị trường cao, thay đổi hành vi người tiêu dùng (từ giao dịch tiền mặt sang không tiền mặt - hiện chiếm 95% tổng giao dịch) và định hướng hỗ trợ từ Chính phủ.
Trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận hơn 100 công ty cung cấp dịch vụ P2P Lending, gấp hơn 10 lần so với năm 2017 và dự báo tiếp tục xu hướng gia tăng, phản ánh triển vọng phát triển cho các tổ chức tài chính tham gia vào lĩnh vực này.
Các rủi ro cần dự phòng
Lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Việt Nam ước tính có quy mô 5,5 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 52,7 tỷ USD vào năm 2033.
Việc triển khai thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam là một bước tiến phù hợp với xu thế phát triển tài chính số, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được tính đến để có biện pháp dự phòng. Rủi ro lớn nhất khi triển khai P2P Lending là rủi ro pháp lý, trong bối cảnh Việt Nam chưa xây dựng được hành lang pháp lý hoàn chỉnh, trong khi hoạt động của các nền tảng này chủ yếu dựa trên cơ sở thử nghiệm và Luật Các tổ chức tín dụng chưa công nhận vai trò pháp lý rõ ràng cho các bên trung gian, dễ dẫn đến tranh chấp và khó xử lý khi xảy ra sai phạm.
Thực tế cho thấy, đến cuối năm 2024 đã có hơn 100 công ty hoạt động cho vay ngang hàng trong nước, nhưng phần lớn chưa được cấp phép chính thức, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để huy động vốn trái phép hoặc hoạt động dưới mô hình tín dụng đen.
Bên cạnh đó, triển khai P2P Lending cũng mang đến nhiều rủi ro tín dụng, do phần lớn người cho vay là cá nhân không có chuyên môn tài chính, trong khi hệ thống chấm điểm tín dụng tại Việt Nam chưa được áp dụng quá phổ biến. Theo Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC), đến cuối năm 2023 mới chỉ khoảng 70% người trưởng thành Việt Nam có hồ sơ tín dụng trong hệ thống chính thức, khiến việc đánh giá năng lực trả nợ trở nên thiếu chính xác. Ngoài ra, do P2P Lending không có cơ chế bảo hiểm tiền gửi như ngân hàng, toàn bộ rủi ro mất vốn sẽ do người cho vay cá nhân tự gánh chịu.
Hoạt động P2P Lending cũng mang đến rủi ro tiềm ẩn về công nghệ và an ninh mạng, khi các nền tảng chủ yếu vận hành trên môi trường số và thường xử lý khối lượng lớn dữ liệu cá nhân, làm gia tăng nguy cơ rò rỉ dữ liệu người dùng, bị đe dọa đòi nợ trái pháp luật từng xảy ra với nhiều ứng dụng (app) tài chính trong giai đoạn 2020 - 2022.
Các đối tượng tội phạm có thể lợi dụng mô hình P2P Lending để thực hiện các hoạt động gian lận, thao túng thông qua việc tạo hồ sơ vay giả, thổi phồng hiệu quả đầu tư, thậm chí hoạt động theo mô hình Ponzi trá hình. Bài học tại Trung Quốc là một minh chứng khi từ năm 2018, hàng loạt nền tảng P2P Lending sụp đổ, gây thiệt hại hàng chục tỷ USD và khiến chính phủ nước này phải ra lệnh chấm dứt toàn bộ hoạt động cho vay ngang hàng vào năm 2020.
Giải pháp phát triển và kiểm soát rủi ro
Để hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam được triển khai an toàn và hiệu quả, cần thiết phải xây dựng một hệ thống giải pháp toàn diện, nhằm hạn chế các rủi ro pháp lý, tín dụng, công nghệ và xã hội đã được nhận diện.
Đầu tiên, về góc độ pháp lý, pháp luật cần xác định rõ ràng vai trò của công ty nền tảng chỉ là đơn vị kết nối, không được phép huy động vốn để cho vay lại, đồng thời yêu cầu các công ty này phải đăng ký và được cấp phép hoạt động chính thức sau giai đoạn thử nghiệm. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và phân loại các nền tảng P2P Lending theo mức độ rủi ro, mô hình hoạt động và đối tượng phục vụ (tiêu dùng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nông hộ...) để có chế tài quản lý phù hợp.
Thứ hai, về mặt dữ liệu và công nghệ, cần thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu tín dụng chính thức giữa các nền tảng P2P Lending và CIC, qua đó giúp cải thiện chất lượng đánh giá khả năng trả nợ. Nhà nước cũng cần khuyến khích xây dựng hệ thống dữ liệu phi truyền thống (alternative data) - bao gồm lịch sử thanh toán điện, nước, viễn thông, hành vi tiêu dùng trực tuyến - và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật để tích hợp các dữ liệu này vào mô hình chấm điểm tín dụng. Ngoài ra, các nền tảng phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật thông tin người dùng theo tiêu chuẩn quốc tế (như ISO/IEC 27001), áp dụng các công nghệ mã hóa dữ liệu, xác thực người dùng đa lớp (MFA) và xây dựng hệ thống giám sát an ninh mạng liên tục. Mỗi nền tảng cũng cần có chính sách xử lý sự cố rò rỉ dữ liệu và phải công bố công khai quy trình phản hồi khiếu nại về thông tin cá nhân.
Thứ ba, về phía người dùng, cần xây dựng khung bảo vệ khách hàng trong lĩnh vực P2P Lending. Một giải pháp khả thi là quy định trần lãi suất và phí dịch vụ cụ thể cho từng nhóm khoản vay. Chẳng hạn, với khoản vay dưới 20 triệu đồng, lãi suất tối đa không vượt quá 150% lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng thương mại. Mỗi khoản vay trên nền tảng cần hiển thị minh bạch tổng chi phí thực tế phải trả (Annual Percentage Rate), bao gồm cả lãi suất, phí khởi tạo, phí xử lý, tránh tình trạng tính phí ngầm. Cần bắt buộc các công ty nền tảng công bố đầy đủ thông tin hợp đồng bằng ngôn ngữ dễ hiểu, có bản tóm tắt rủi ro cho người vay trước khi xác nhận. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thiết lập một cơ chế xử lý khiếu nại và giải quyết tranh chấp độc lập - chẳng hạn, trung tâm trọng tài chuyên xử lý tranh chấp tài chính phi ngân hàng - nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả người vay và người cho vay.
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 22/12/2024, tập trung vào việc tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với lĩnh vực rủi ro cao có tiềm năng phát triển được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho sự đổi mới sáng tạo trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech). Việc này vừa nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát rủi ro như tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo đầu tư; vừa giúp khơi thông điểm nghẽn lớn cho các mô hình tài chính mới như P2P Lending phát triển một cách chính thống và minh bạch. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành và các tổ chức tài chính có liên quan, P2P Lending có tiềm năng trở thành một trong các yếu tố có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế.