
Chiều 18/4/2025, Ủy ban Kinh tế và tài chính họp phiên toàn thể lần thứ nhất, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đang có dấu hiệu tăng cao trở lại, tính đến tháng 1/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,3%.Trong khi đó, theo phản ánh của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, việc Nghị quyết 42/2017/QH14 không được luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo ra độ chững trong công tác xử lý nợ xấu. Các vướng mắc chủ yếu liên quan quyền thu giữ tài sản đảm bảo, kê biên tài sản đảm bảo và việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự.
Chính vì vậy, dự thảo Luật quy định luật hóa 3 chính sách liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 bao gồm: Luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo; Luật hóa quy định về kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án; Luật hóa quy định về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng), tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.
Phó thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay, trước khi áp dụng Nghị quyết 42, đối với nợ xấu, tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chỉ chiếm 23% song sau khi có Nghị quyết 42, con số này tăng lên 89%. Từ khi Nghị quyết 42 được áp dụng, trung bình mỗi tháng hệ thống ngân hàng xử lý được 5.800 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn 2.280 tỷ đồng so với trước đó. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nợ xấu tăng nhanh, xử lý nợ xấu rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến chi phí cho vay của các tổ chức tín dụng, đến dòng vốn cho nền kinh tế. Phó Thống đốc kỳ vọng, việc luật hóa Nghị quyết 42 thúc đẩy xử lý nợ xấu nhanh hơn, từ đó lãi suất cho vay với nền kinh tế sẽ giảm đáng kể.
Tán thành với quy định hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Đình Việt, thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ làm tăng ý thức trả nợ của người vay.
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành sự cần thiết ban hành các luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, phù hợp với nhiệm vụ đặt ra tại các nghị quyết của Quốc hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.
Dù vậy, một số ý kiến cũng lưu ý các chính sách được đề xuất trong dự thảo phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện đối với các bên có liên quan. Các quy định phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của các tổ chức tín dụng trong quá trình đánh giá, thẩm định tín dụng và xử lý nợ; ngăn ngừa nguy cơ lạm dụng quy định pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan.
Tham gia thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện khi các bên có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng.
Cụ thể, việc thu giữ tài sản đảm bảo không phải là quyền đương nhiên, mà phải được thiết lập thông qua điều khoản trong hợp đồng tín dụng đã được các bên ký kết. Điều này vừa thể hiện nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, vừa là căn cứ pháp lý để tổ chức tín dụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi phát sinh nợ xấu.
Do đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những quy định cần thiết để bảo đảm hoạt động này được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ tài sản đảm bảo cũng như người có liên quan.
Dù vậy, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị cân nhắc việc quy định về quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu và cho rằng, việc tổ chức tín dụng được trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo là hành chính hóa quan hệ dân sự và việc thu giữ tài sản đảm bảo không thông qua phán quyết của tòa án có thể dẫn đến nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu của người sở hữu tài sản nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài luật hóa Nghị quyết 42, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành Ngân hàng Nhà nước nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ.
Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo ông Nguyễn Đình Việt, quy định này là phù hợp vì Ngân hàng Nhà nước là người hiểu rõ nhất tình hình sức khỏe của các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ là người quyết định thì quyết định mà Thủ tướng đưa ra cũng phải xuất phát từ đề xuất của Ngân hàng Nhà nước .
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban pháp Luật và Tư pháp nhận thấy, quy định này là phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước, góp phần nâng cao tính chủ động, linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trong vai trò cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Trong bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ biến động nhanh, việc tập trung thẩm quyền tại Ngân hàng Nhà nước sẽ rút ngắn thời gian ra quyết định, giúp xử lý nhanh các tình huống khẩn cấp, đặc biệt trong trường hợp cần hỗ trợ các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn thanh khoản nhưng vẫn còn khả năng phục hồi.