Cho vay doanh nghiệp nhỏ, không nên chỉ... kêu và tháo gỡ!

(ĐTCK) Không riêng ngân hàng lớn, cả các nhà băng quy mô nhỏ cũng đang tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm nghẽn khiến dòng vốn tín dụng khó vào SME.
Các ngân hàng đều cho biết có rất nhiều gói ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ Các ngân hàng đều cho biết có rất nhiều gói ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ

Nhà băng hướng vốn vào SME

Trong khi các SME vẫn cho rằng, việc tiếp cận vốn tín dụng đầu tư, sản xuất - kinh doanh còn khó khăn thì hầu hết nhà băng khẳng định luôn rộng cửa đón khách hàng, thậm chí còn hỗ trợ vốn tín chấp (không tài sản đảm bảo) cho SME.

Ngân hàng Bản Việt vừa triển khai gói vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 8,5%/năm trong thời gian từ nay đến hết 31/12/2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, nhà băng này triển khai các gói vay ưu đãi giá trị lớn dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước đó, các gói vay “Kết nối doanh nghiệp SME 2017” và “Đồng hành cùng BẠN chinh phục thành công 2018” đã hỗ trợ hơn 700 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thành công. Lãi suất ưu đãi được giữ cố định ở mức 8,5%/năm.

Kể từ đầu tháng 4/2019, OCB triển khai gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng dành riêng cho SME hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng, với mức lãi suất dao động quanh 7%/năm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nhận định, việc cung cấp vốn cho SME theo chuỗi giá trị là giải pháp cải thiện năng lực doanh nghiệp, mở rộng quy mô theo hướng hiện đại để tiếp tục gia nhập sâu hơn vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Trong đó, quy trình cho vay và cung cấp dịch vụ tự động dựa trên công nghệ sẽ là nguồn sống để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Cho vay doanh nghiệp nhỏ, không nên chỉ... kêu và tháo gỡ! ảnh 1

Hiện các SME chiếm tỷ lệ 97%, nên việc tìm giải pháp hỗ trợ vốn cho phân khúc doanh nghiệp này là hết sức quan trọng

Ngoài ra, với nguồn vốn tài trợ trung và dài hạn 100 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), OCB triển khai cho vay ưu đãi với các SME do phụ nữ làm chủ. IFC còn cung cấp cho OCB "Chương trình tư vấn phát triển tài trợ chuỗi cung ứng" (SCF - Supply Chain Finance). Chương trình gồm 3 giai đoạn: xây dựng mô hình vận hành chuỗi, lựa chọn và tích hợp nền tảng công nghệ kết nối, xây dựng sản phẩm và phát triển kinh doanh. Theo đó, OCB tham gia tài trợ chuỗi, giữ vai trò là ngân hàng cung cấp giải pháp hợp tác cho người mua và người bán, cho phép các bên tiếp cận được nguồn tài trợ vốn lưu động mà không cần tài sản thế chấp, tiếp cận nguồn tài chính chi phí thấp dựa trên nền tảng tín nhiệm tín dụng của người mua.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, chiến lược của Ngân hàng là tập trung đẩy mạnh mảng tín dụng xanh và hướng vốn vào phân khúc SME, khách hàng cá nhân. Nam A Bank chú trọng đến các khách hàng nhỏ lẻ, sản phẩm nhỏ gọn về thủ tục để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận được một cách nhanh chóng. Mới đây, hướng đến việc đồng hành phát triển doanh nghiệp, chương trình “Giao dịch miễn phí cùng Nam A Bank” được nhà băng này triển khai như một giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác vận hành.

Cụ thể, Nam A Bank sẽ miễn hầu hết các khoản phí dịch vụ online và tại quầy như dịch vụ chuyển khoản, dịch vụ ngân quỹ, dịch vụ quản lý tiền mặt, dịch vụ ebanking... trong thời gian 6 tháng. Mỗi doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lên đến 20 triệu đồng. Ngoài những ưu đãi trên, nhà băng này còn thực hiện chương trình tín dụng xanh, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp bổ sung vốn cho các mục đích đầu tư, kinh doanh, mua sắm trang thiết bị, không gây tác động tiêu cực tới môi trường.

Vietcombank, BIDV, SCB, ACB, HDBank... luôn đẩy mạnh vốn cho SME. ACB tập trung vào khách hàng SME và bán lẻ. Đối với SME, ACB hướng đến chuỗi cung ứng, nên đặt mục tiêu thu hút nhà cung cấp và đơn vị phân phối của doanh nghiệp cốt lõi bằng chính sách hợp lý về lãi suất và phí. Ngân hàng kỳ vọng có thể áp dụng các giải pháp dài hạn và đồng bộ trong việc cung cấp các gói sản phẩm. Cá nhân là nhân viên của SME cũng là khách hàng mục tiêu thông qua các khoản cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng. Đối với nhóm khách hàng cá nhân thu nhập cao, ACB định hướng khai thác tăng huy động tiền gửi, thu nhập từ dịch vụ bán bảo hiểm, thẻ tín dụng.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, đối với phân khúc SME, tổng số dư nợ tăng 36% trong ba năm qua, từ 18.000 tỷ đồng lên 28.000 tỷ đồng (2016 - 2018). Trong khi đó, đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, tổng dư nợ chỉ tăng 15%, từ 68.000 tỷ đồng lên 72.000 tỷ đồng.

70% SME vẫn chưa tiếp cận được

Số lượng SME mới ngày càng nhiều phần nào cho thấy nền kinh tế đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2018, cả nước có 131.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,5% so với năm 2017. Mới đây nhất, ngày 28/2/2019, Tổng cục Thống kê tiếp tục công bố số liệu cho biết, trong hai tháng đầu năm 2019, cả nước có thêm gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Như vậy, theo xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu thì từ năm 2018 đến nay, nền kinh tế Việt Nam diễn biến khá sôi động khi có hàng nghìn doanh nghiệp thành lập, tham gia vào quá trình vận hành kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp mới thành lập nói riêng hàng năm đều chịu nhiều khoản chi phí để vận hành, từ các khoản lãi vay, chi phí vận tải, chi phí thủ tục hành chính, chi phí nhân sự..., cho đến các khoản phí dịch vụ tại ngân hàng như phí chuyển tiền, chi lương, phí thu hộ (thu ngân sách nhà nước, thuế hải quan...), phí mở và duy trì thẻ tín dụng doanh nghiệp, phí SMS Banking…

Anh Lê Văn Tình, Giám đốc Công ty TVC HD cho biết: “Một doanh nghiệp trước khi hoạt động có lợi nhuận phải đưa dòng vốn vào đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng và chịu rất nhiều các khoản chi phí về vận hành. Có những khoản phí rất nhỏ, nhưng với số lượng và tần suất lớn sẽ tạo nên một khoản chi phí đáng kể. Chẳng hạn, khi giao dịch ngân hàng, mỗi lần chuyển tiền, doanh nghiệp của tôi phải chịu 3.000 đồng phí dịch vụ. Tính ra, chỉ riêng về phí sử dụng dịch vụ có tháng lên đến gần 20 triệu đồng. Đó là một khoản phí không hề nhỏ với một doanh nghiệp”. Tuy nhiên, hiện nhiều SME vẫn khó vay vốn.

Dù giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 70% SME chưa tiếp cận được vốn tín dụng. Trong đó, hơn 30% SME không thể tiếp cận vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết rất khó tiếp cận nguồn vốn này.

Vướng mắc ở đâu?

Thiếu tài sản thế chấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao, báo cáo tài chính không được lập một cách chuẩn chỉ… là những nguyên nhân chính khiến các SME khó tiếp cận vốn từ ngân hàng, mà phải tìm đến các nguồn vốn phi chính thức khác.

Quả thực, SME của Việt Nam hiện còn yếu kém nhất định. Nhưng nếu chỉ tiếp cận SME qua báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này thì rất khó để các ngân hàng cho vay. Chẳng hạn, những người buôn bán, thu mua phế liệu hay các hộ kinh doanh cá thể sẽ khó có được hóa đơn, chứng từ đầu vào và đầu ra. Do đó, cái khó đối với ngân hàng trong mở rộng tín dụng phân khúc này là phải có giải pháp và sự sáng tạo trong quá trình tiếp cận SME.

Nhìn nhận về câu chuyện SME khó tiếp cận vốn ngân hàng, IFC cho rằng, chủ yếu do thông tin của họ còn thiếu, nên các tổ chức cung ứng vốn chưa nắm rõ được thông tin về các doanh nghiệp để cung ứng tín dụng. Đó chính là lý do vì sao các ngân hàng thường từ chối cung ứng vốn cho SME. Các ngân hàng không muốn cho SME vay, vì sợ rủi ro nợ xấu khi không có nhiều thông tin để nắm rõ về hoạt động của các đối tượng này.

Trong khi đó, sức bật của SME rất lớn nên cầu vốn luôn tăng. Vì thế, theo các chuyên gia, cần khuyến khích nhiều tổ chức Chính phủ cung cấp thông tin về SME như cơ quan thuế… nhằm giúp thông tin của các SME được phổ biến rộng rãi. Từ đó, các tổ chức tín dụng có thể mạnh dạn hơn trong việc xét duyệt tín dụng và cung ứng vốn.

Kiến nghị được ông Phan Hải Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (ASMES) đưa ra, hiện các SME chiếm tỷ lệ 97%, nên việc tìm giải pháp hỗ trợ vốn cho phân khúc doanh nghiệp này là hết sức quan trọng, nhất là trong thời kỳ thương mại hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng, với các doanh nghiệp quá nhỏ cũng sẽ khó được ngân hàng cho vay vốn. Đồng thời, nếu các doanh nghiệp không tham gia vào các chuỗi giá trị, đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng, sử dụng khoa học công nghệ cũng khó tiếp cận vốn tín dụng. Theo TS. Doanh, để tiếp cận được vốn, các SME cần phải thay đổi, trước hết phải có sự chuẩn bị tốt cho mình.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đối với SME, không phải chỉ tập trung vào kêu và tháo gỡ mà nên có những kiến nghị gây áp lực, tạo sự vững mạnh thì các doanh nghiệp mới có thể lớn được. Tư duy về khối doanh nghiệp tư nhân quan trọng hơn so với trước đang được xem là động lực để phát triển cho các SME. Tuy nhiên, SME phải biết tạo động lực và sức mạnh cho mình để ngày càng lớn mạnh.


Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục