Tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng gia tăng

(ĐTCK) Năm 2018, số lượng doanh nghiệp vỡ nợ, không đủ khả năng trả nợ trái phiếu tại Trung Quốc thiết lập kỷ lục cao nhất kể từ khi các số liệu được thu thập. Vậy nhưng, kỷ lục này nhiều khả năng sẽ sớm bị xô đổ năm 2019.
Ảnh Internet Ảnh Internet

2019 được đánh giá là năm “đáng nhớ” đối với thị trường trái phiếu trị giá 13 nghìn tỷ USD của Đại lục, với số lượng các vụ vỡ nợ, không đủ khả năng trả nợ trái phiếu đến hạn lớn nhất. Đây được xem là hệ quả của việc chính phủ Trung Quốc thay đổi các chính sách, siết chặt hơn việc sử dụng đòn bẩy trên thị trường.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp Trung Quốc đã không đủ khả năng trả 39,2 tỷ nhân dân tệ (5,8 tỷ USD) trái phiếu doanh nghiệp nội địa đến hạn, cao gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg. Tốc độ của các vụ vỡ nợ cũng cao gấp 3 lần năm 2016, khi phần lớn vụ việc diễn ra ngay nửa đầu năm. Đáng chú ý, có nhiều dấu hiệu cho thấy, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn và mạnh mẽ hơn trong năm 2019.

Giới chức Trung Quốc tiếp tục chỉ đạo ngành ngân hàng mở rộng vốn tín dụng cho khu vực tư nhân, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Động thái mới nhất là trong ngày đầu tuần (6/5), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một số nhà băng lớn. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh hơn ra thị trường.

Mặt khác, chính phủ nước này vẫn tập trung vào việc kiểm soát, hạn chế hoạt động của hệ thống ngân hàng trong bóng tối (shadow banking). Đây là hoạt động tín dụng ít chịu sự kiểm soát của nhà quản lý, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư có nguồn tín dụng dễ dàng, đẩy việc sử dụng đòn bẩy tài chính lên cao.

 Giá trị các trái phiếu không được thanh toán khi đến hạn qua các năm.

Với quyết tâm của nhà quản lý trong việc kiểm soát các rủi ro tại thị trường tài chính phi chính thức, con số vỡ nợ, không đủ khả năng trả nợ của doanh nghiệp Đại lục đã tăng lên kể từ cuối năm 2017 và kéo dài cho tới nay. Đáng chú ý, trước đó, 2016 cũng là năm mà tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc gây bất ngờ khi tăng mạnh, nhưng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc một số lĩnh vực công nghiệp nặng sa sút, hoạt động sản xuất đi xuống.

“Hiện tại, các nhà băng ngần ngại cho vay doanh nghiệp nhỏ, hoạt động yếu. Trong khi thị trường ngân hàng trong bóng tối, vốn là chỗ dựa của nhóm doanh nghiệp này chịu sự kiểm soát gắt gao hơn. Các công ty buộc phải huy động vốn bằng trái phiếu kỳ hạn ngắn, thể hiện việc thường xuyên phải tái cơ cấu tài chính. Và ngay cả như vậy, các doanh nghiệp vẫn không đủ khả năng để trả nợ trái phiếu đến hạn”, Nino Siu, chiến lược gia tại Moody’s Investors Service cho biết.

Trong số các vụ vỡ nợ, không trả được nợ trái phiếu đến hạn kể từ đầu năm tới nay, có những tên tuổi rất lớn trên thị trường, khiến không ít nhà đầu tư hoang mang. Trong số đó phải kể tới China Minsheng Investment Group Corp (CMIG), được mệnh danh là JPMorgan Chase & Co phiên bản Trung Quốc, do doanh nhân Dong Wenbiao - “bố già” của lĩnh vực tài chính tư nhân đứng đầu.

Các lĩnh vực đầu tư của CMIG trải rộng từ chăm sóc sức khỏe tới hàng không. Tháng 1/2019, CMIG khiến thị trường sốc khi cho biết không thể thanh toán được các trái phiếu đến hạn vào cuối tháng 1 và hứa hẹn sẽ đủ khả năng trả nợ sau khi bán đất vào ngày 14/2. Vậy nhưng đến nay, vụ việc được xem là một trường hợp vỡ nợ.

Hay tên tuổi nổi tiếng tại thị trường bất động sản và tiêu dùng Neoglory Holding Group cũng không đủ khả năng để trả khoản nợ trái phiếu đến hạn với giá trị 7 tỷ nhân dân tệ. Neoglory là tập đoàn khổng lồ đầu tư mạnh vào bất động sản, sau đó mở rộng ra ngành bán lẻ. Zhou Xiaoguang - Chủ tịch Công ty được mệnh danh là “nữ hoàng của trang sức thiết kế” khi đưa lĩnh vực phụ kiện của Tập đoàn phát triển mạnh mẽ.

Sau một thời gian tăng trưởng mạnh nhờ sử dụng các đòn bẩy tài chính, Công ty mẹ và 3 công ty con hiện tại đang bước vào tình trạng phá sản, theo tài liệu nộp Cơ quan Thanh toán bù trừ Thượng Hải vào cuối tháng 4.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục