Chờ sức cầu trở lại

(ĐTCK) Tháng 5, TTCK mở cửa giao dịch với sắc đỏ lất lướt. Sự suy giảm của chỉ số bên cạnh sự suy giảm của thanh khoản (giảm khoảng 40%) kéo dài từ đầu năm đến nay cho thấy, sức cầu trên thị trường đang vơi dần.
Chờ sức cầu trở lại

Thực tế này đặt trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng vững, khối DN, nhất là các DN tư nhân thể hiện được sức sáng tạo và triển vọng phát triển, đặt ra câu hỏi: phải chăng có sự lệch pha của “kim chỉ nam” chứng khoán với sự phát triển chung mà nó làm đại diện đo lường?

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân sáng 2/5/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, tính đến cuối 2018, quy mô TTCK đạt 175 tỷ USD. Con số này còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu DN chưa phát triển, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư chứng khoán mặc dù cơ chế chính sách đã có nhưng việc triển khai hoạt động chưa hiệu quả…

Ðây là những nguyên nhân cho thấy, sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam chưa bằng nhiều TTCK lân cận. Bản thân Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển (được trình Chính phủ tại Ðề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025), nhưng hiện tại đâu là những chuyển động đáng chú ý, có thể thúc sức cầu bật lên?

Diễn biến đáng chú ý đầu tiên là Thông tư 21/2019/TT-BTC, có hiệu lực từ 3/6/2019 hướng dẫn hoạt động IPO, bán cổ phần Nhà nước qua hình thức dựng sổ. Chủ tịch HÐQT Sở GDCK Hà Nội Nguyễn Thành Long cho hay, điểm ưu việt của phương thức này nằm ở khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Theo Chủ tịch HNX, phương thức dựng sổ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn và không chỉ các doanh nghiệp có vốn nhà nước, các doanh nghiệp không có vốn nhà nước cũng có thể tham khảo phương pháp này khi phát hành lần đầu ra công chúng, tiết giảm chi phí và tăng tỷ lệ phát hành thành công.

Dựng sổ lần đầu tiên được chính thức áp dụng tại Việt Nam, nếu thành công, sẽ giúp các DN gọi thêm vốn, đồng thời tăng quy mô TTCK Việt Nam đến ngưỡng có thể sánh với một số TTCK lớn trong khu vực.

Cũng liên quan đến chính sách, vướng mắc lớn nhất trong thu hút vốn ngoại là câu chuyện về room, nay đã có hướng giải quyết khi lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, trong lần sửa Luật Ðầu tư tới đây sẽ xây dựng một danh mục riêng, quy định cụ thể về ngành nghề DN được nhận vốn đầu tư nước ngoài và tỷ lệ đầu tư tối đa trong các ngành nghề đó. Việc sửa đồng thời Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Chứng khoán cần 1-2 năm để hoàn thiện, nhưng hướng sửa và thông điệp chính sách đã rõ, cho phép nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc sẽ xử lý tận gốc điểm vướng này.

Bên cạnh sự chuyển động chính sách, câu chuyện về sức sáng tạo, khát vọng tăng trưởng của nhiều DN là những diễn biến có giá trị, nhưng hiện tại chưa được dòng tiền đầu tư chứng khoán chú ý và trả giá xứng đáng. Cổ phiếu BVH giảm sàn trong phiên đầu tháng 5 trong khi DN này vừa công bố kết quả kinh doanh quý I khả quan với lợi nhuận đạt 455 tỷ đồng, hoàn thành 37,2% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu MBB chỉ tăng nhẹ dù Ðại hội đồng cổ đông Ngân hàng vừa chốt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 23% (hợp nhất) trong năm 2019, với mức cổ tức 14%. Cổ phiếu IBC đứng im, mặc cho Công ty vừa chia sẻ chiến lược phát triển chiếm lĩnh vị trí số 1 về đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam, hướng đến công ty tỷ USD trong một vài năm tới…

Tại sao dòng tiền lại e dè chảy, trong khi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chãi và sức phát triển của nhiều DN rất rõ ràng? Câu hỏi này đang làm đau đầu không chỉ nhà quản lý TTCK, mà còn với cả các doanh nhân.

TTCK được quyết định bởi cán cân cung - cầu. Trong khi nguồn cung tăng lên, sức cầu cần có sự tăng trưởng tương xứng mới giữ được sự phát triển cân bằng. Sự lệch pha của TTCK với diễn biến của nền kinh tế và chuyển động sáng tại nhiều DN là câu chuyện cần phải lý giải mới có thể đưa TTCK trở về quỹ đạo hoạt động chuẩn mực và vươn lên.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục