Chờ “cú huých” nguồn cung

(ĐTCK) Với các cơ chế mới tại Nghị định số 75/2025 và Nghị định số 76/2025, dự kiến có khoảng 550 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội sẽ được gỡ vướng pháp lý, giúp gia tăng mạnh mẽ nguồn cung cho thị trường.
Dự báo nguồn cung sản phẩm sẽ tăng mạnh trong quý II này. Ảnh: Dũng Minh.

Rốt ráo gỡ vướng

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong tháng 3/2025, thị trường sơ cấp Hà Nội chào đón 8 dự án mới với khoảng 10.000 căn hộ, trong đó có sự góp mặt của các nhà phát triển bất động sản lớn như Vinhomes, Masterise Homes...

Theo VARS, nguồn cung căn hộ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trước quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án của Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương.

Trên thực tế, vào đầu tháng 4/2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP và Nghị định số 76/2025/NĐ-CP để hiện thực hóa các nghị quyết của Quốc hội về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản.

Với cơ chế mới này, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, thời gian tới, có khoảng 550 dự án bất động sản ở 2 đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM (350 dự án) và Hà Nội (200 dự án) sẽ được gỡ vướng pháp lý, trong đó có các dự án lớn như The Water Bay trên khu đất 30,2 ha tại phường Bình Khánh và Lakeview City trên khu đất 30,1 ha tại phường An Phú, TP. Thủ Đức; tòa nhà hỗn hợp tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai; Khu đô thị mới CEO Mê Linh, khu nhà ở Minh Đức, khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và tại huyện Mê Linh; Sông Hồng City tại phường Phúc Xá (Ba Đình) và Yên Phụ (Tây Hồ)…

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, đây là lần đầu tiên Quốc hội có các nghị quyết tháo gỡ khó khăn dành riêng cho lĩnh vực bất động sản, “chỉ mặt, điểm tên” từng dự án, nêu rõ từng danh mục tháo gỡ, thay vì chỉ nêu chung chung như các văn bản trước đây. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của cơ quan lập pháp trong kiến tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản.

Còn ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS đánh giá, việc các dự án được rốt ráo gỡ vướng sẽ giúp gia tăng nguồn cung, mang tới cho người mua có thêm cơ hội và lựa chọn sở hữu nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn. Đồng thời, việc cởi trói pháp lý giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp, đánh tan dần “cục máu đông” nợ xấu, giúp dòng tiền luân chuyển và tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn nền kinh tế.

Về phía các bộ, ngành, trong tuần trước, Bộ Xây dựng đã Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025, mục tiêu hướng tới là cắt giảm ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ liên tục nhắc tới trong nhiều cuộc họp với các bộ, ban, ngành diễn ra thời gian qua, với tinh thần “vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó tháo gỡ, thẩm quyền của ai thì người đó giải quyết, không đùn đẩy, né tránh”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị GP-Invest cho hay, việc cắt giảm các thủ tục hành chính sẽ giúp giảm bớt chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, đẩy nhanh dự án ra ngoài thị trường, từ đó góp phần “hạ nhiệt” giá nhà. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ trong cải cách thể chế nói chung, với lĩnh vực bất động sản nói riêng.

“Lâu nay, một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt là quá nhiều thủ tục hành chính phiền hà, có doanh nghiệp phải xin đến 40 con dấu để có thể thực hiện dự án, tốn kém rất nhiều chi phí. Vì vậy, phải gỡ nút thắt này thì các doanh nghiệp mới thuận lợi phát triển dự án”, ông Hiệp nói.

Đồng quan điểm, ông Dương Văn Bắc - Tổng giám đốc Novaland nhấn mạnh rằng, chỉ khi các vướng mắc pháp lý được giải quyết triệt để thì doanh nghiệp mới có thể phục hồi đúng nghĩa. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và các khâu phê duyệt, rút ngắn thời gian hoàn thiện pháp lý dự án… sẽ là yếu tố giúp giảm giá thành sản phẩm, đồng thời gỡ khó về dòng tiền cho doanh nghiệp và khơi thông các nguồn vốn khác, chống lãng phí tài sản và tài nguyên xã hội.

Nguồn cung dự báo tăng mạnh

Báo cáo “Ngành bất động sản nhà ở - Triển vọng năm 2025” của VIS Rating cho biết, khoảng 70% doanh nghiệp bất động sản mà tổ chức này theo dõi có dòng tiền hoạt động để trả nợ đến hạn ở mức yếu.

Tuy vậy, các cơ chế mới nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý và đẩy mạnh việc hoàn thiện quy hoạch sẽ tạo động lực phát triển dự án trong năm 2025, từ đó giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để giải quyết các vấn đề tài chính.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế trên đà phục hồi, tín dụng dành cho cá nhân mua nhà năm nay được kỳ vọng tăng gấp đôi so với năm trước, từ khoảng 10% lên gần 20%, sẽ là trợ lực lớn cho các nhà phát triển bất động sản.

Theo ông Lê Đình Chung - Tổng giám đốc SGO Homes, khi quy định pháp lý cởi mở hơn cùng quyết tâm của doanh nghiệp sẽ kích hoạt dòng vốn lưu thông, các dự án vướng thủ tục, dự án minh bạch pháp lý đang xây dựng dở dang được khởi công trở lại, lúc đó sẽ tự động thúc đẩy niềm tin toàn thị trường.

Thực tế, tại nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn gần đây, quan điểm của một số bộ, ngành cho rằng, để thoát khó, các doanh nghiệp trước tiên phải “tự cứu lấy mình” bằng cách bán bớt tài sản, tập trung nguồn lực để thực hiện những dự án có hiệu quả...

Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề cốt lõi vẫn là hoàn thiện pháp lý dự án, vì nếu pháp lý chưa đầy đủ, doanh nghiệp sẽ không thể triển khai và đưa sản phẩm ra thị trường, còn ngân hàng sẽ gặp khó trong việc tái cấu trúc nợ nên khó có thể cho vay thêm… Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng tới nguồn cung và dòng vốn vào thị trường nhà đất.

“Vì vậy, khi các nút thắt dần được tháo gỡ, thị trường bất động sản bắt đầu có những chuyển biến rõ nét, giao dịch sôi động hơn. Những dự án được ‘hồi sinh’ không chỉ giúp giải quyết bài toán nguồn cung, mà còn tạo động lực để khu vực nơi có dự án nhanh chóng bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường, mở ra cơ hội sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư đón đầu làn sóng tăng trưởng mới”, ông Chung nói.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI), nguồn cung sơ cấp trong quý II/2025 dự kiến tăng tới 90% so với quý trước đó, tương đương 14.000 sản phẩm mới, kéo theo tổng nguồn cung sơ cấp tích lũy đạt gần 52.000 sản phẩm.

Tại miền Bắc, nguồn cung mới dự kiến trong quý II/2025 đạt khoảng 4.000 sản phẩm, chiếm 29% giỏ hàng, đến từ các dự án Kepler Land Mỗ Lao (Hà Nội), The Matrix One Premium (Hà Nội), SKY M Hạ Long (Quảng Ninh), Xanh Island (Hải Phòng)... Khu vực miền Trung dự kiến mở bán 2.000 sản phẩm, chiếm 14% giỏ hàng, đến từ các dự án Regal Complex (Đà Nẵng), The Legend City (Đà Nẵng), Simona Heights Quy Nhơn (Bình Định)... Khu vực miền Nam dự kiến chiếm hơn 50% giỏ hàng với 7.500 sản phẩm, đến từ các dự án The Privé (TP.HCM), Happy One Sora (TP.HCM), The Gió Riverside (Bình Dương), Lan Anh Avenue (Bình Dương), Eco Retreat Long An (Long An), Gold Coast Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

"Nguồn cung sẽ tăng mạnh trong quý II"

Bà Trịnh Thị Kim Liên - Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services

Thị trường kỳ vọng trạng thái “nén” trong quý I sẽ được “giải phóng” trong quý II, khi nguồn cung sản phẩm tăng mạnh, kéo theo sức tiêu thụ cải thiện đáng kể. Các dự án đến từ nhóm chủ đầu tư uy tín được cho là sẽ dẫn dắt sức cầu.

Tuy vậy, triển vọng phục hồi của thị trường cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là từ chính sách thuế quan mới mà Mỹ dự kiến áp đặt lên hàng hóa Việt Nam. Động thái này đang khiến nhiều kế hoạch kinh tế vĩ mô và ngành nghề, trong đó có bất động sản, phải tính toán lại.

Bên cạnh đó, giá bán sơ cấp trên toàn thị trường được dự báo tăng trung bình 3-5%, chủ yếu do phần lớn nguồn cung mới vẫn đến từ phân khúc cao cấp và hạng sang.

Trong khi đó, giá thứ cấp có thể tăng mạnh hơn, ở mức 10-15%, nhất là tại các khu vực liên quan đến việc sáp nhập địa giới hành chính. Giá thuê được dự báo giữ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, do nhu cầu thuê vẫn chưa có nhiều đột phá trong ngắn hạn.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục