Chính sách tiền tệ góp phần “giữ chân” dòng vốn đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng.
Chính sách tiền tệ góp phần “giữ chân” dòng vốn đầu tư nước ngoài

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và công tác truyền thông diễn ra cuối tuần trước, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lưu ý, vấn đề đang được quan tâm hiện nay là vấn đề tăng trưởng tín dụng. Theo Thống đốc, điều hành tín dụng là công cụ rất quan trọng để vừa tập trung kiểm soát lạm phát cả năm nay và năm sau. Năm nay hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% nhưng hiện nay chỉ số lạm phát cơ bản tăng mạnh, lạm phát cơ bản tháng 8 so với cùng kỳ hơn 3%, tháng 9 có thể 3,6% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm, lạm phát được đánh giá chủ yếu có nguyên nhân do cầu kéo, chi phí đẩy, nhưng hiện tại kỳ vọng lạm phát đang ở mức rất cao. “Do vậy, tất cả các công cụ chính sách của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán, kiên định mục tiêu tín dụng vừa kiểm soát tác động lạm phát thực tế vừa kiểm soát kỳ vọng đồng thời ổn định tỷ giá. Việc NHNN kiên định mục tiêu tín dụng vừa qua là phù hợp để đảm bảo sự nhất quán, điều này được các tổ chức quốc tế, đặc biệt IMF đánh giá cao”, Thống đốc cho biết.

Liên quan đến vấn đề triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, 59/63 tỉnh, thành phát sinh các khoản vay có hỗ trợ lãi suất; 63/63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh theo chỉ đạo của NHNN; 15/63 chi nhánh NHNN đã phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp về hỗ trợ lãi suất.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Tại các NHTM, 16/44 ngân hàng phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất, chủ yếu ở các nhóm ngành có thỏa thuận cho vay từ 1/1/2022 và có trả lãi trong tháng 5/2022 khoảng 800 nghìn tỷ đồng. Từ thực tế nhu cầu và hấp thụ chính sách hỗ trợ lãi suất, nhất là dư nợ hiện hữu, NHNN đã có văn bản đề nghị các NHTM báo cáo kết quả triển khai vào cuối tháng 9/2022 và rà soát khách hàng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, khả năng hỗ trợ dự kiến…

Điểm đáng lưu ý, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách tại một số tỉnh, thành phố với sự tham gia của NHNN, lãnh đạo địa phương, thành viên đoàn đại biểu quốc hội…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, để đạt được mục tiêu chung là góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự giải thích, hướng dẫn thống nhất trong quá trình triển khai. Công tác điều hành tín dụng của NHNN nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh và đặc biệt giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động truyền thông cần đẩy mạnh giải thích cho dư luận về các giải pháp của NHNN để kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc cho biết, NHNN phải rà soát số dư nợ tín dụng, nếu đúng là trong nhóm hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp không nhận hay vì lý do gì phải báo cáo cụ thể. Các vụ, cục thuộc NHNN phải phối hợp chỉ đạo các chi nhánh để chỉ đạo các TCTD rà soát số dư tín dụng. Toàn ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời các nguyên nhân từ thực tiễn khách quan.

“Có thể khẳng định, NHNN đã điều hành tốt chính sách tín dụng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh và đặc biệt “giữ chân” dòng vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó cho thấy, chính phủ, các bộ, ngành, NHTW đã có các giải pháp, cách thức điều hành tin tưởng”, Thống đốc nói.

Bất kể trong hoàn cảnh nào, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu vì nếu như lạm phát không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người dân nhất là những người dân còn khó khăn nên phải kiên định mục tiêu.

Quan trọng nhất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với doanh nghiệp về việc: nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ là những người gặp khó khăn khi thị trường biến động; doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc có trường hợp cho vay sẽ khiến ngân hàng chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn chứ vấn đề không phải chỉ là room tín dụng…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục