Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ: Chuyển hóa thách thức thành động lực cải cách

0:00 / 0:00
0:00
Những thay đổi trong chính sách thuế quan của Hoa Kỳ tạo ra áp lực lớn để Việt Nam chuyển biến đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, tăng cường nội lực, tăng khả năng chống chịu trước các bất ổn toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho Việt Nam nếu tận dụng tốt để rà soát lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu.
Những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ... sẽ bị tác động mạnh bởi chính sách thuế đối ứng của Chính phủ Mỹ. Ảnh: Lê Tiên Những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ... sẽ bị tác động mạnh bởi chính sách thuế đối ứng của Chính phủ Mỹ. Ảnh: Lê Tiên

Tạo áp lực đẩy nhanh hơn các điều chỉnh chiến lược

Ngày 8/5, tại Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam” do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, GS. TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) cho biết, việc Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại đã gây nên một cú sốc toàn cầu. Đối với Việt Nam, việc áp mức thuế lên tới 46% sẽ là cú sốc rất lớn nếu trong vòng 90 ngày không đạt được một thỏa thuận đàm phán tích cực. 90 ngày là khoảng thời gian để Việt Nam tiến hành đàm phán về thỏa thuận thương mại đối ứng, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, thúc đẩy thương mại công bằng, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.

Theo ông Hiếu, về cơ cấu thì 70% hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ là những mặt hàng chế biến, chế tạo chủ lực như điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ… Những mặt hàng này phần lớn thuộc lĩnh vực sản xuất của khu vực FDI và cũng là động lực của nền kinh tế những năm qua. Việc áp thuế đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu và cả khu vực FDI, những động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ đó tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn kinh tế vĩ mô.

“Dù kết quả ra sao, đây là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị các giải pháp ứng phó với những thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, phát triển bền vững và gia tăng khả năng chống chịu trước các bất ổn toàn cầu”, ông Nguyễn Thành Hiếu nhận định.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo áp lực đẩy nhanh hơn các điều chỉnh chiến lược, tập trung nhiều hơn vào tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Doanh nghiệp Việt Nam cần từng bước đồng thời đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các đối tác thương mại lớn. Ảnh: Tiên Giang

Doanh nghiệp Việt Nam cần từng bước đồng thời đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các đối tác thương mại lớn. Ảnh: Tiên Giang

Chuẩn bị sẵn sàng giải pháp phòng ngừa, thích ứng

Theo các chuyên gia, dù hiện tại chưa có chính sách thuế đối ứng rõ ràng của Hoa Kỳ với Việt Nam, nhưng các biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị đàm phán và thích ứng cần triển khai trước khi rủi ro trở thành hiện thực để bảo vệ doanh nghiệp và giữ vững chuỗi cung ứng FDI, tránh trường hợp sau đàm phán thuế đối ứng với Mỹ lại phát sinh đàm phán xem xét lại danh mục hàng hóa với các đối tác hàng đầu khác.

Để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, theo chuyên gia của NEU, cần hướng đến các mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế. Đặc biệt là cần chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo PGS. Phan Hữu Nghị - Đại học Kinh tế quốc dân, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hàm lượng xuất xứ trong nước, hay trong khối ASEAN rất được coi trọng trong đàm phán. Để chuẩn bị cho đàm phán với Hoa Kỳ, một trong các nội dung quan trọng là Việt Nam cần xây dựng cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Bên cạnh đó, danh mục hàng hóa có thể cắt giảm với Mỹ để hướng đến cân bằng thương mại cũng cần được xem xét chi tiết với từng nhóm hàng, gắn với lợi thế so sánh của nước ta để hậu đàm phán không ảnh hưởng đến các thỏa thuận trước đó đã tham gia và Việt Nam không bị kéo vào các vòng đàm phán thương mại với các đối tác thương mại lớn khác.

Ông Nghị cũng nhấn mạnh, trong ngắn hạn, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng. Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó sẽ góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và các năm sau. Mức hỗ trợ cần được tính toán để có thể bù đắp phần lớn thiệt hại sau khi bị áp thuế. Song song với đó là các gói tín dụng ưu đãi trong trung hạn, nhưng cần chú ý đến cách triển khai sao cho phù hợp bởi yêu cầu trong đàm phán là minh bạch chính sách trợ cấp công nghiệp, chống trợ cấp, đặc biệt trong các ngành chiến lược. Về phía doanh nghiệp, phải chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa (CO, truy xuất chuỗi cung ứng). Đây là vấn đề được Hoa Kỳ đề cao khi so sánh với Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá trình đàm phán. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần từng bước đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa đầu vào để tránh những rủi ro về xuất xứ như áp dụng với pin năng lượng mặt trời vừa qua. Cùng với đó, cần đầu tư công nghệ và tuân thủ cao hơn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, minh bạch tài chính, cũng như chính sách hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu của không chỉ thị trường Mỹ mà cả những thị trường khác như EU. Về lâu dài, cần xây dựng chính sách để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, để thích ứng bền vững, quan trọng nhất là phải chủ động tăng cường nội lực của khu vực kinh tế trong nước. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nước là rất quan trọng, cần triển khai thực chất, hiệu quả Nghị quyết 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt lớn mạnh.

Đại diện một doanh nghiệp dệt may tham gia Tọa đàm chia sẻ, doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm mở nhà máy dệt nhiều năm nay nhưng thủ tục rất phức tạp, khó khăn, mà nếu mở được thì cũng đắt hơn Trung Quốc. Nhưng giờ có cơ hội thuận lợi hơn để mở nhà máy, trong bối cảnh hiện nay có thể sẽ cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Doanh nghiệp có thể nhập xơ sợi của Mỹ về sản xuất rồi xuất sang Mỹ. Doanh nghiệp có thể thay đổi để thích ứng, nhưng rất mong Nhà nước hỗ trợ để triển khai nhanh các thủ tục đầu tư, sớm đưa dự án vào vận hành.

Minh Thư
baodauthau.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục