Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12

Người thi bằng lái xe phải học đạo đức, phòng chống tác hại rượu bia; kê khai làm thẻ căn cước bằng điện thoại... là chính sách có hiệu từ tháng 12.
Những điểm mới trong sát hạch lái xe. Đồ hoạ: Tạ Lư

Kê khai đăng ký cấp, đổi căn cước công dân trên điện thoại

Thông tư 48/2019 của Bộ Công an về trình tự cấp, đổi lại thẻ căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/12 lần đầu quy định người dân có thể dùng điện thoại hoặc máy tính có kết nối Internet để kê khai thông tin xin cấp, đổi thẻ căn cước.

Trường hợp người dân đã kê khai thông tin trên mạng, người làm nhiệm vụ sẽ in tờ khai này để kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên. Nếu thông tin kê khai đúng quy định, cán bộ tập hợp thành hồ sơ và thực hiện việc cấp, đổi.

Nhiều điểm mới trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Thông tư 38/2019 của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ 1/12 quy định một số điểm mới về đào tạo, sát hạch lái xe, như học viên thi giấy phép lái xe B1, B2, C sẽ phải học môn đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu bia trong hai giờ.

Các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, như thiết bị chấm vân tay cho học viên, đảm bảo học lý thuyết đầy đủ thời gian mới được dự sát hạch.

Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và số km thực hành lái xe trên đường của học viên.

Trung tâm sát hạch lái xe phải lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải tỉnh thành.

Cạnh tranh không lành mạnh bị phạt 2 tỷ đồng

Nghị định 75 có hiệu lực từ 1/12 về xử phạt vi phạm hành chính trong cạnh tranh nêu rõ mức phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh tăng lên gấp 10 lần so với hiện nay.

Cụ thể phạt tối đa 2 tỷ đồng với tổ chức và một tỷ đổng với cá nhân vi phạm.

Nghị định cũng quy định hành vi tiết lộ bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bị phạt từ 200 đến 300 triệu đồng; cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bị phạt từ 100 đến 200 triệu đồng.

Sinh viên được vay tối đa 2,5 triệu đồng mỗi tháng

Quyết định 1656/2019 của Thủ tướng có hiệu lực từ 1/12 đã nâng mức vay ưu đãi tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng một tháng thay vì 1,5 triệu đồng như hiện nay.

Đối tượng được vay vốn gồm: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ, nhưng người còn lại không có khả năng lao động; học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ nghèo...

Để được vay tiền, học sinh, sinh viên năm nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; học sinh, sinh viên từ năm hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học...

Bỏ quy định đổi một USD ở tiệm vàng phạt 100 triệu đồng

Nghị định 88/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng có hiệu lực từ ngày 31/12 đã bỏ quy định đổi một USD ở tiệm vàng bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, thay vào đó là chỉ phạt cảnh cáo với trường hợp mua bán ngoại tệ dưới 1.000 USD ở tiệm vàng không được cấp phép.

Lần đầu tiên Chính phủ quy định xử phạt tiền với trường hợp mở hộ thẻ ngân hàng (ATM, Visa hoặc MasterCard...).

Theo đó, cá nhân, tổ chức nếu có hành vi mở hộ thẻ với số lượng từ 10 thẻ trở lên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục