Chính sách lạm phát mục tiêu dưới tác động Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ năm 2016 đến nay, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đặt ra mục tiêu lạm phát dưới 4%. Như vậy, thực chất là Việt Nam đang áp dụng một dạng chính sách lạm phát mục tiêu.
Lạm phát thấp liên tục trong các năm là chỉ dấu cho thấy sức cầu của nền kinh tế yếu hơn mức nó cần có Lạm phát thấp liên tục trong các năm là chỉ dấu cho thấy sức cầu của nền kinh tế yếu hơn mức nó cần có

Chính sách lạm phát mục tiêu là gì?

Thực tế, chính sách lạm phát mục tiêu đã được áp dụng tại nhiều ngân hàng trung ương như tại Úc, New Zealand, Thái Lan, Canada, Phần Lan, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Mỹ… Hiểu một cách đơn giản, chính sách lạm phát mục tiêu là một khung khổ ra quyết định chính sách, thông qua đó các ngân hàng trung ương đưa ra các cam kết công khai định hướng thực hiện chính sách nhằm đạt được mục tiêu đã được công khai về kiểm soát lạm phát trong một thời kỳ nhất định.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia có chính sách lạm phát mục tiêu khác nhau. Trong đó, cách đặt mục tiêu phổ biến là cam kết lạm phát sẽ được kiểm soát trong một biên độ nhất định, ví dụ Thụy Điển cam kết kiểm soát lạm phát từ 1 - 3%. Cũng có nước đặt mục tiêu là nâng hoặc hạ lạm phát hiện hành về một mức cụ thể, ví dụ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng lạm phát lên 2% trong một khoảng thời gian nhất định.

Mặc dù các theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu, nhưng hầu hết các ngân hàng trung ương này đều phải thực hiện các mục tiêu khác như giảm tỷ lệ thất nghiệp, gia tăng sản lượng.

Tại sao lại cần chính sách lạm phát mục tiêu?

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Có nhiều lý do để ủng hộ chính sách lạm phát mục tiêu: Thứ nhất, giúp neo giữ kỳ vọng lạm phát, qua đó ổn định lạm phát. Khi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp neo giữ được kỳ vọng lạm phát thì họ có thể giảm thiểu được các rủi ro trong quyết định đầu tư, giảm chi phí phòng ngừa rủi ro.

Thứ hai, giúp củng cố tín nhiệm của thị trường khi ngân hàng trung ương được giao một nhiệm vụ cụ thể có thể đo lường và đánh giá được. Bởi trên thực tế, có ngân hàng trung ương được giao những nhiệm vụ không thể thực hiện được (ví dụ yêu cầu ngân hàng trung ương duy trì tỷ lệ thất nghiệp ổn định trong dài hạn), qua đó làm mất uy tín của ngân hàng trung ương. Tín nhiệm của ngân hàng trung ương được củng cố theo thời gian khi duy trì được lạm phát trong phạm vi mục tiêu thì khả năng neo giữ lạm phát kỳ vọng của chính sách lạm phát mục tiêu càng cao.

Thứ ba, ổn định lạm phát ở mức thấp là điều kiện cần để ổn định lãi suất thấp, qua đó hỗ trợ nền kinh tế thực phát triển ổn định.

Những bất lợi của chính sách lạm phát mục tiêu

Chính sách lạm phát mục tiêu có nhiều lợi ích, đặc biệt là lợi ích trong việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các nước khá ngần ngại chính thức tuyên bố theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu vì các lý do sau:

Một là, việc quá tập trung vào một mục tiêu lạm phát cụ thể làm cho chính sách tiền tệ kém linh hoạt và phải đánh đổi các mục tiêu khác như hỗ trợ tăng trưởng, giảm thất nghiệp...

Hai là, hầu hết các nước đều đòi hỏi chính sách tiền tệ phải cân bằng giữa 3 mục tiêu ổn định hệ thống tài chính, lạm phát thấp và việc làm đầy đủ. Tuy nhiên, các tác động của chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, trong khi thực tiễn nền kinh tế đầy bất định. Vì vậy, hầu hết các chính sách lạm phát mục tiêu đều dựa vào các dự báo về lạm phát. Nếu dự báo về nguy cơ lạm phát quá cao sẽ làm cho chính sách tiền tệ bị thắt chặt quá mức, qua đó ảnh hưởng đến các mục tiêu khác của chính sách tiền tệ. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước có khả năng dự báo hạn chế.

Ba là, không như lý thuyết, chính sách lạm phát mục tiêu trên thực tế làm cho hoạt động của các ngân hàng trung ương trở nên kém minh bạch hơn. Ngân hàng trung ương thường viện dẫn lý do đảm bảo mục tiêu lạm phát mà lờ đi mục tiêu điều tiết lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hoặc từ chối thực hiện các chính sách hỗ trợ cần thiết khi nền kinh tế đối diện với các cú sốc.

Thêm vào đó, chính sách lạm phát mục tiêu cũng làm cho quốc hội khó kiểm soát và đánh giá liệu ngân hàng trung ương đã làm hết trách nhiệm hay chưa trong việc tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho phát triển.

Covid-19 và lạm phát mục tiêu

Có thể nhận thấy, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hầu hết quốc gia đã tạm thời bỏ qua mục tiêu kiểm soát lạm phát để tập trung vào mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế.

Đầu năm 2021, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố có thể chấp nhận lạm phát cao hơn 2% trong một thời gian nhất định. Đến nay, lạm phát đã vượt quá 5% và Fed mới có tín hiệu quan ngại đầu tiên, nhưng cũng chưa có hành động cụ thể để kiểm soát điều này. Các nước châu Âu, Nhật Bản vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng (lãi suất tiệm cận 0%, thực hiện các gói nới lỏng định lượng), bất chấp áp lực lạm phát trên thế giới đang tăng lên.

Tại Việt Nam, mặc dù giá hàng nhập khẩu, giá xăng dầu và than tăng, nhưng áp lực lạm phát vẫn rất thấp. Lạm phát bình quân 10 tháng đầu năm 2021 chỉ ở mức 1,81%, so với thời điểm cuối tháng 12/2020 chỉ tăng 1,67%, nguyên nhân chính là do tổng cầu giảm mạnh, nền kinh tế nằm dưới sản lượng tiềm năng, nên hầu như không có áp lực cho lạm phát. Mức lạm phát cả năm 2021 ước đạt khoảng 2,5%, cách khá xa mục tiêu 4% đặt ra.

Điều đáng nói, lạm phát những năm gần đây luôn thấp hơn mức 4% (ví dụ, năm 2018 là 3,54%; 2019 là 2,79%; 2020 là 3,23%; 2021 dự kiến là 2,5%). Mức lạm phát quá thấp, trong khi lãi suất cho vay còn khá cao so với các nước trong khu vực (đối thủ cạnh tranh chính của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế) là một bất lợi cho nền kinh tế trong nước. Lạm phát thấp liên tục trong các năm là chỉ dấu cho thấy sức cầu của nền kinh tế yếu hơn mức nó cần có. Cầu yếu cũng làm cho doanh nghiệp giảm động lực mở rộng sản xuất - kinh doanh, do đó làm giảm nhu cầu việc làm và tốc độ tăng trưởng.

Như vậy, kiểm soát lạm phát quá xa mục tiêu 4% không nên nhìn nhận là thành tích, mà cần phải đánh giá tổng thể hơn. Nếu chúng ta duy trì được lạm phát không quá xa 4% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đã cao hơn và sức bật của nền kinh tế năm 2022 có thể sẽ lớn hơn.

Quan điểm lạm phát mục tiêu giai đoạn tới

Để tránh sự cứng nhắc của chính sách lạm phát mục tiêu và tận dụng được các cơ hội phục hồi kinh tế, Việt Nam không nên khống chế mục tiêu lạm phát hàng năm dưới 4%, mà nên kiểm soát theo lạm phát bình quân trong cả giai đoạn 2021 - 2025 dưới 4%. Điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Năm 2021, lạm phát thấp quá xa mục tiêu 4% thì có thể chấp nhận lạm phát năm 2022 lên trên 4%, cách đặt mục tiêu này sẽ không những không làm thay đổi niềm tin của thị trường đối với cam kết kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước, mà ngược lại, với sự linh hoạt hơn, Ngân hàng Nhà nước có nhiều cơ sở hơn để kiểm soát lạm phát. Quan trọng nhất, đó là không nên để “bóng ma” lạm phát ngăn cản chúng ta thực hiện các quyết sách mạnh mẽ nhằm phục hồi và bứt phá trong bối cảnh mới.

TS. Nguyễn Tú Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục