Lạm phát giảm, lãi vay có thể giảm thêm

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh lạm phát thấp kỷ lục, lãi suất có thể giảm thêm, song nguy cơ dòng tiền tháo chạy khỏi ngân hàng cũng đang hiện hữu.
Thời gian qua, các ngân hàng đã hy sinh 30.000 tỷ đồng doanh thu để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh Thời gian qua, các ngân hàng đã hy sinh 30.000 tỷ đồng doanh thu để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Lãi vay có thể giảm thêm

Lạm phát thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây (CPI bình quân 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,82%) đang khiến các doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất giảm thêm. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND TP.HCM đưa ra kiến nghị giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp theo hướng lãi vay không cao hơn 2% so với lãi tiền gửi. Trước đó, hàng loạt hiệp hội, ngành hàng cũng kiến nghị ngành ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay ở mức 2-5%/năm.

Lạm phát thấp cùng với thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng khiến lãi suất huy động và cho vay có thể giảm thêm nữa. Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không giảm lãi suất điều hành, song sẽ hỗ trợ thanh khoản và nới thêm room tín dụng, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thêm lãi vay.

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giảm lãi suất huy động phải được tính toán thật kỹ để dòng tiền không chạy khỏi ngân hàng. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm (chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu vốn huy động) tại các ngân hàng TMCP nhà nước chỉ dao động quanh mức 3,1- 4%/năm, tức chỉ thực dương so với lạm phát xoay quanh 2%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cảnh báo: “Chúng ta đã thấy, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, lãi suất huy động thấp khiến một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm tháo chạy ra khỏi ngân hàng sang các kênh đầu tư khác. Nếu lãi suất huy động giảm sâu, tiền sẽ tiếp tục chảy ra khỏi ngân hàng”.

Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới, song mức giảm không nhiều.

Riêng về lãi suất cho vay, theo NHNN, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi vay đã giảm khoảng 0,55%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả khi mặt bằng lãi suất huy động chỉ giảm nhẹ, thì với lợi nhuận hiện nay, các ngân hàng vẫn có thể giảm thêm lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, với một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, ngân hàng đang cho vay không có lãi, thậm chí còn lỗ. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank lấy ví dụ, ngân hàng này cho các doanh nghiệp hàng không vay 16.000 tỷ đồng gần như bằng chi phí huy động.

Tương tự, đại diện BIDV cho biết, ngân hàng này đang cho doanh nghiệp hàng không vay hàng ngàn tỷ đồng với lãi suất đặc biệt ưu đãi, nếu tính thêm chi phí bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc, trả lương nhân viên…, thì ngân đang chịu chênh lệch lãi suất âm.

Còn theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thời gian qua, các ngân hàng đã hy sinh 30.000 tỷ đồng doanh thu để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nhiều ngân hàng lãi lớn nhưng lợi nhuận chưa thực chất, bởi nợ xấu bị ẩn vì việc giãn, hoãn nợ. Thêm vào đó, nếu dịch được khống chế, doanh nghiệp đi vào hoạt động, ồ ạt rút tiền gửi, thì thanh khoản của ngân hàng không còn dồi dào. Khi đó, nhiều khả năng ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động và việc giảm lãi vay càng khó.

Chính sách tài khóa phải vào cuộc

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, so với các ngành khác, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới ngành ngân hàng có độ trễ hơn. Chưa kể, áp lực tăng vốn để làm dày đệm thanh khoản của các ngân hàng vẫn rất lớn trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) còn thấp so với các ngân hàng trong khu vực. Để làm được điều này, ngân hàng bắt buộc phải kinh doanh hiệu quả để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế. Song không nên đặt quá nhiều trách nhiệm lên vai ngân hàng thương mại. “Không có nước nào yêu cầu ngành ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp. Muốn hỗ trợ doanh nghiệp, ngân sách phải vào cuộc”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng khẳng định.

Theo ông Nghĩa, nhiều nước thậm chí hỗ trợ người dân ở mức 10-30% GDP và đều từ nguồn tiền Chính phủ đi vay. “Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại đã làm được điều vượt quá thông lệ quốc tế, do đó, rủi ro tiềm ẩn đối ngân hàng, đối với tiền gửi và lòng tin của người gửi tiền là khá lớn”, ông Nghĩa cảnh báo.

Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế đều ủng hộ Chính phủ, Quốc hội ban hành các gói hỗ trợ lãi suất với sự tham gia của chính sách tài khóa (ngân sách cấp bù lãi suất).

Được biết, NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đang nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất với tổng quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng).

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự vào cuộc của chính sách tài khóa để giảm áp lực cho ngân hàng là rất cần thiết. “Việt Nam đã từng thực hiện gói tín dụng hỗ trợ, cấp bù lãi suất và đã có bài học. Tôi hy vọng, trên cơ sở rút kinh nghiệm lần triển khai trước và lựa chọn đúng đối tượng ưu tiên, lần này, chúng ta sẽ triển khai gói hỗ trợ tín dụng này một cách hiệu quả”, ông Thịnh nói.

Không nên khống chế ngân hàng chỉ được cho vay với lãi suất không quá 2% lãi suất huy động. Thực tế, chi phí vốn của các ngân hàng có nhiều loại: chi phí vận hành bộ máy, chi phí bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro…, chứ không chỉ lãi trả lãi tiết kiệm. Hơn nữa, việc khống chế lãi suất cho vay cũng vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng (cho phép lãi suất thỏa thuận), vi phạm quyền kinh doanh của các ngân hàng.

- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục