Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm triển khai, thiếu đồng bộ

(ĐTCK) Hiện nay, phần lớn chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá được kết quả hỗ trợ, mức độ tham gia của các DN. Đồng thời thiếu các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách đến sản xuất kinh doanh.
Nhiều DNNVV hầu như không biết và không tiếp cận được tới các chính sách hỗ trợ

Một thực trạng đáng lo ngại được đề cập tại các báo cáo gần đây về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 là mặc dù chính sách hỗ trợ đã có nhiều, song việc triển khai thực hiện trên thực tế gặp rất nhiều vướng mắc, dẫn tới kết quả thực hiện và tác động hỗ trợ từ các chính này còn hạn chế.

Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; các tồn tại bất cập trong triển khai Nghị định xuất phát từ chính sách hỗ trợ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể; tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, trình tự thủ tục hỗ trợ kéo dài; thực hiện manh mún, dàn trải, chưa có trọng tâm; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương còn yếu, thiếu cơ chế điều phối trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Cụ thể, theo Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay phần lớn chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá được kết quả hỗ trợ, mức độ tham gia của các DN. Đồng thời thiếu các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách đến sản xuất kinh doanh.

Các chính sách cũng chưa có những ưu đãi rõ ràng hỗ trợ DN về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công, chất lượng nội dung chưa thực tế… nên kết quả còn rất hạn chế, không thiết thực và không thực sự đúng với nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một điều đáng quan ngại là hầu hết các chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiến độ triển khai thực hiện rất chậm. “Thường thì thời gian để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện kéo dài 2-3 năm như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao... Đặc biệt, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thành lập sau hơn 3 năm xây dựng đề án, song đến nay chưa triển khai vận hành, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay của Quỹ”, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết.

Đồng tình nhận định này, Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, trong 5 năm qua, các biện pháp hỗ trợ DN nói chung chưa đáp ứng hết mong muốn của DN, nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung khuyến khích, thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành và nhiều địa phương chưa quan tâm thỏa đáng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo phản ánh của nhiều DN, họ hầu như không biết và không tiếp cận được tới các chính sách này. Các chính sách đã có thì manh mún, không đồng bộ nên được ở khâu này lại tắc ở khâu khác, việc triển khai thủ tục tiếp cận hỗ trợ mang nặng tính xin cho, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ lực để theo đến cùng.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, chính sách nhiều nhưng không phát huy hiệu quả là do việc thực hiện thiếu đồng bộ, dàn trải.

“Bộ ngành nào cũng có chính sách hỗ trợ nhưng thiếu quy trình chuẩn tổng thể, việc triển khai thực hiện chính sách không tập trung”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, các nội dung hỗ trợ cần tập trung vào những gì DN cần, đi vào thực chất và tránh hình thức hay manh mún. Nhìn chung, các DN nhỏ và vừa mong muốn được hỗ trợ về pháp lý, môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn vay và vay vốn, tư vấn phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu bên cạnh mức thuế hợp lý.

Theo Báo cáo tình hình triển khai thực hiện hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù số doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong giai đoạn 2011-2015 đạt 380.000 DN, vượt so với mục tiêu đặt ra là 350.000 DN, song tính lũy kế số DN thực tế đang hoạt động tính đến thời điểm cuối năm 2015 chỉ đạt 530.000 DN, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đặt ra là 600.000 DN, do số DN giải thể, phá sản tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Về tỷ trọng đóng góp trong kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, mặc dù được đánh giá là lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng Tổng cục Thống kê lại không thống kê được do doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu xuất khẩu ủy thác hoặc cung cấp lại cho một số chuỗi giá trị xuất khẩu.

Một số chỉ tiêu quan trọng khác đạt và vượt kế hoạch là tỷ trọng đóng góp trong GDP của khu vực này đạt 45%, tỷ trọng đầu tư chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 50% toàn bộ giá trị đầu tư của khu vực tư nhân. 

Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 là số doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký thành lập đạt 450.000 DN; số DN hoạt động đến năm 2020 đạt 750.000 DN, chiếm 98% tổng số DN toàn quốc; tỷ trọng đầu tư đạt 50% trong DN, tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 50%, tỷ trọng đóng góp GDP đạt 40% và đóng góp Ngân sách Nhà nước đạt 35%.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục