Chính sách “bàn tay sắt” tại các dự án giao thông vay vốn WB

0:00 / 0:00
0:00
Ít nhất 2 dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) đang gặp khó khăn trong kiểm soát tiến độ, trong đó một công trình phải kích hoạt thủ tục gia hạn thời gian thực hiện.
Thi công Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Huy Hoàng Thi công Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Huy Hoàng

Gam xám

“Bộ Tài chính đã có thư đề xuất chính thức gửi WB xin gia hạn Hiệp định vay vốn cho Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vào trước ngày 14/7/2023”, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT) xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.

Sở dĩ mốc thời hạn trên đặc biệt quan trọng với Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên là bởi, để có thể kịp gia hạn Hiệp định vay thêm 18 tháng nữa theo thủ tục hồi tố, WB đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị hoàn thành các thủ tục để Bộ Tài chính có thư đề xuất gia hạn chính thức cho WB chậm nhất vào ngày 14/7/2023.

Nếu không kịp hoàn thành công việc trên, Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên nhiều khả năng có nguy cơ bị “ngắt vốn” giữa chừng do không kịp gia hạn hiệp định vay như từng xảy ra đối với Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, phân đoạn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn vay WB được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 trực tiếp bám sát Bộ Tài chính và các bộ Tư pháp, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước để đảm bảo hoàn thành thủ tục gia hạn Hiệp định vay theo thời hạn của WB.

“Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT về việc gia hạn này. Trong từng bước thực hiện, phải báo cáo Bộ trưởng để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ”, ông Nguyễn Văn Thắng sốt ruột chỉ đạo.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có công thư gửi WB đề nghị hoãn thời hạn đóng khoản vay nêu trên trong khi chờ hoàn tất các thủ tục trong nước về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Để hoàn tất các thủ tục điều chỉnh theo quy định, đầu tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư, trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GTVT ký Quyết định số 818/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2017 đến ngày 31/12/2024, kéo dài thêm 1 năm so với phê duyệt trước đó.

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên là một trong 5 dự án vay vốn WB do Bộ GTVT đóng vai trò là cơ quan chủ quản. Công trình có mục tiêu nâng cấp 127 km Quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27 - 35 km tuyến tránh trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai đạt tiêu chuẩn đường cấp III, vận tốc 80 km, với thời hạn hoàn thành là cuối năm 2023. Dự án có tổng mức đầu tư 155,8 triệu USD, trong đó vốn do WB tài trợ là 150 triệu USD bằng hiệp định vay vốn được ký kết vào ngày 27/12/2017, có hiệu lực từ ngày 22/5/2018, hết hạn vào ngày 30/6/2023.

Có 5 lý do khiến Dự án bị vỡ tiến độ được chủ công trình kể ra, như chậm được giao vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020; ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết; chậm tiến độ thiết kế kỹ thuật; địa chất, địa hình phức tạp; công tác cấp phép khai thác đất đắp kéo dài hơn dự kiến do công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản (đất đắp) được siết chặt, đặc biệt từ ngày 8/3/2023.

Tuy nhiên, cũng như một số dự án WB khác, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, còn có nguyên nhân chủ quan là chủ đầu tư/ban quản lý dự án chưa tập trung chỉ đạo, bám sát tiến trình thực hiện để phát hiện, xử lý kịp thời, quyết liệt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án.

Theo ông Lê Thắng, một điểm thuận lợi đối với việc gia hạn hiệp định vay vốn cho Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên là sẽ xem xét việc gia hạn thời gian hiệu lực Hiệp định thêm 18 tháng, nếu phía Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu; đền bù giải phóng mặt bằng; triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế và kế hoạch phát triển đồng bào dân tộc thiểu số; làm rõ việc hủy gói thầu chậm tiến độ; tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thi công.

Bên cạnh đó, đến cuối tháng 6/2023, tình hình thực hiện của Dự án đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu của WB, trong đó có việc khối lượng giải ngân đã đạt 55% và có khả năng hoàn thành toàn bộ các hạng mục nếu được gia hạn 18 tháng; đảm bảo hiệu quả đầu tư trong thời gian được gia hạn.

Chính sách “bàn tay sắt”

Một dự án giao thông vay vốn WB khác cũng đang trong diện “báo động đỏ” là Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam có tổng mức đầu tư 168,795 triệu USD, sử dụng vốn vay của WB và khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia.

Dự án bao gồm việc cải tạo 2 hành lang đường thủy phía Nam, gồm hành lang Đông - Tây sẽ cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600 tấn, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông; hành lang Bắc - Nam sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.

Mặc dù đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 8/2022 và yêu cầu sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, nhưng tiến độ chuẩn bị đánh giá chưa đạt yêu cầu, có thể ảnh hưởng đến công tác triển khai trên thực địa, thậm chí là phát sinh đáng kể chi phí ngay trong bước xuất phát.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để có thể phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 10/2023, làm cơ sở đàm phán Hiệp định vay vốn với WB vào tháng 12/2023, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) phải tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách giải phóng mặt bằng vào đầu tháng 8/2023.

“Ban Quản lý các dự án đường thủy cũng cần nghiên cứu về khả năng điều chỉnh giải pháp kỹ thuật nhằm tránh phải sử dụng đất rừng để có thể chủ động phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong thời gian sớm nhất”, ông Thắng chỉ đạo.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA giao thông, trong đó có dự án vay vốn WB, Bộ GTVT đang áp dụng chính sách “bàn tay sắt”, xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các chủ thể bê trễ trong điều hành, thực hiện dự án.

Theo đó, đối với Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo ban quản lý dự án phải thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát khẩn trương, thực hiện các giải pháp cấp bách để huy động mọi nguồn lực, lập kế hoạch thi công chi tiết, tiến độ huy động nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu để thi công hoàn thành từng hạng mục công việc còn lại của từng nhà thầu, gói thầu theo các mốc tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ GTVT và cơ bản hoàn thành toàn bộ Dự án trước ngày 31/12/2023.

Ban Quản lý dự án 2 cũng được yêu cầu thay thế Ban Điều hành Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên ngay nếu không đáp ứng được yêu cầu của từng gói thầu và của toàn bộ Dự án; tuyệt đối không để xảy ra việc không quản lý được tiến độ thi công của các nhà thầu, nghiêm cấm việc sử dụng các nguồn vật liệu không đáp ứng yêu cầu vào thi công dự án.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) sẽ phải thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện Dự án; kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ GTVT có những giải pháp xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, không đáp ứng theo các mốc tiến độ yêu cầu và tiến độ chi tiết điều chỉnh đã được chấp thuận.

“Chủ đầu tư lập danh sách các nhà thầu không đáp ứng tiến độ thực hiện Dự án theo chỉ đạo của Bộ GTVT để xem xét, đánh giá về lịch sử vi phạm hợp đồng (nếu có) khi đánh giá nhà thầu tham gia các hoạt động xây lắp trong thời gian sắp tới do Bộ GTVT quản lý”, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Điểm sáng tích cực

Bên cạnh những gam màu trầm, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ GTVT cũng ghi nhận được điểm sáng tích cực tại Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ sử dụng vốn vay WB. Cụ thể, sau gần 3 năm xây dựng, cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ đã cơ bản hoàn thành và đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng, đáp ứng tiến độ đã gia hạn đến ngày 30/6/2023, đủ điều kiện để thông luồng.

Ban Quản lý các dự án đường thủy đang phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các đơn vị liên quan hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để nghiệm thu đưa công trình vào khai thác, sử dụng, tổ chức công bố luồng kênh nối Đáy - Ninh Cơ trong tháng 7/2023. Cụm công trình này sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2016), giúp tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục