Phạt nặng 2 nhà thầu gian dối tại dự án giao thông sử dụng vốn vay WB

Hai nhà thầu có hành vi gian dối tại Dự án Quản lý dự án tài sản đường bộ Việt Nam sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ bị cấm tham gia đấu thầu 3 năm tại các dự án do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 sử dụng vốn vay WB đang được các nhà thầu triển khai thi công. Ảnh: Anh Minh Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 sử dụng vốn vay WB đang được các nhà thầu triển khai thi công. Ảnh: Anh Minh

Tước quyền dự thầu

Việc triển khai xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng Lô gói thầu RAP/CP15 - QL6; Lô gói thầu RAP/CP17 - QL6, Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam - VRAMP vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trao lại cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trong văn bản được gửi đi vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, với vai trò là chủ đầu tư Dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục xử lý các nhà thầu vi phạm và tồn tại thuộc hợp đồng Lô RAP/CP15, Lô RAP/CP17, Dự án VRAM.

“Việc xử lý phải đảm bảo tuân thủ đúng các thỏa thuận trong hợp đồng, các quy định pháp luật của Việt Nam và của nhà tài trợ. Trường hợp vượt thẩm quyền, Tổng cục kịp thời báo cáo Bộ GTVT xem xét, giải quyết đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ yêu cầu của Dự án”, ông Trường chỉ đạo.

Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã  quyết định cấm Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ 234, Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình tham gia hoạt động đấu thầu tại tất cả các dự án do bộ này quản lý và dự án do WB tài trợ với thời gian là 3 năm.

Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình cũng sẽ bị chấm dứt hợp đồng với vai trò thành viên liên danh và bị tịch thu giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng Lô gói thầu RAP/CP15 - QL6.

Tương tự, Công ty cổ phần Quản lý đường bộ 234 bị chấm dứt hợp đồng với tư cách thành viên liên danh và bị tịch thu giá trị bảo lãnh hợp đồng Lô gói thầu RAP/CP17 - QL6.

Đây là mức phạt nặng nhất mà các chủ đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vốn ngân sách áp dụng đối với hành vi vi phạm trong đấu thầu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, phương án xử lý này đã nhận được ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ và tương xứng với tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm của các nhà thầu nếu chiểu theo khoản 1, Điều 122, Nghị định số 63/2014/NĐ - CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Lỗi nghiêm trọng

Được biết, hành vi vi phạm các quy định đấu thầu của hai nhà thầu nói trên bị vỡ lở sau khi Bộ GTVT và WB nhận được đơn tố cáo về việc gói thầu RAP/CP15 - QL6 có 1 nhà thầu khai gian dối về số liệu về doanh thu (không đáp ứng được hồ sơ mời thầu); gói thầu RAP/CP17 - QL6 có 2 nhà thầu khai gian dối về số liệu doanh thu (không đáp ứng được hồ sơ mời thầu).

Đây là 2/3 gói thầu thuộc hợp phần Bảo trì PBC đoạn tuyến QL6, từ Km193 - Km 303, thuộc VRAM có giá gói thầu hơn 632 tỷ đồng

Kết quả xác minh của Thanh tra Bộ GTVT cho thấy, trong quá trình nộp hồ sơ dự thầu, tham gia đấu thầu, các nhà thầu Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình (Lô RAP/CP15 - QL6), Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 234 (Lô CP17 - QL6) đã kê khai doanh thu trong hồ sơ mời thầu không đúng so với doanh thu thực tế.

Cụ thể, Công ty cổ phần Quản lý Đường bộ Thái Bình báo cáo doanh thu trong hồ sơ mời thầu năm 2013 là 137 tỷ đồng, nhưng trên thực tế doanh thu chỉ là 88 tỷ đồng; năm 2014 báo cáo doanh thu là 138 tỷ đồng, nhưng thực tế doanh thu là 67 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng Đường bộ 234 ghi trong hồ sơ mời thầu năm 2014 doanh thu là 45 tỷ đồng (thực tế chỉ là 32 tỷ đồng); năm 2015 doanh thu thực tế là 11 tỷ đồng, nhưng ghi trong hồ sơ mời thầu là 66 tỷ đồng.

Tại các báo cáo giải trình, cả hai công ty trên đã thừa nhận kê khai doanh thu trong hồ sơ dự thầu không đúng thực tế so với hóa đơn giá trị gia tăng đầu ra theo số liệu mà đoàn kiểm tra đã xác minh.

Tại điểm c, khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 đã quy định rõ: “Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.

Trong khi đó, theo tài liệu hướng dẫn đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và các dịch vụ phi tư vấn sử dụng khoản vay của WB quy định tại Mục 1.16 về các hành vi Gian lận và Tham nhũng, trong đó xác định: “Hành vi gian lận là bất kỳ hành động trình bày sai sự thật hoặc bỏ qua sự thật, mà cố ý hay vô tình làm sai lệch, hoặc có chủ ý làm sai lệch một bên liên quan để có lợi về tài chính hoặc lợi ích khác, hoặc né tránh trách nhiệm.”

“Đây là lỗi trực tiếp, cố ý của các nhà thầu nên cần xử lý nghiêm để tạo sức răn đe và thực hiện đúng cam kết minh bạch, chống tham nhũng với nhà tài trợ”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục