Chính phủ trình bày phương án tăng lương và giảm hàng loạt thuế, phí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trình bày phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 – 2026, Chính phủ đề nghị cải cách tiền lương từ 1/7/2024 và kéo dài hàng loạt chính sách miễn giảm thuế phí trong năm như thuế VAT; thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo ngân sách chiều 23/10. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo ngân sách chiều 23/10.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, cuối buổi chiều ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 – 2026

Về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách đạt khoảng 1.700.900 tỷ đồng, tăng 80.100 tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3%GDP.

Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2024 khoảng 2.100.300 tỷ đồng, tăng 24.100 tỷ đồng (tăng 1,2%) so với dự toán năm 2023.

Về bội chi ngân sách Nhà nước, bám sát mục tiêu Kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024 bằng khoảng 3,6% GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính đã chia sẻ về đề xuất cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Về nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, ông Phớc cho hay, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách Trung ương các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng. Tổng cộng có 562.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương.

Tư lệnh ngành Tài chính cho rằng, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương từ ngày 1/7/2024.

Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Ngoài cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27; Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Tại Kỳ họp này, Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, quyết định cho tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sẽ hết hạn vào 31/12/2023) đến hết năm 2024.

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít. Các mức này bằng 50% mức thuế trước khi giảm.

Đồng thời, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như Nghị quyết số 101 của Quốc hội trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo Bộ trưởng Tài chính, Chính phủ cũng đề xuất tăng số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương năm 2024; xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng...

Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh

Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện cải cách trong dài hạn, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá so sánh tổng thể các chính sách cải cách và cân đối nguồn lực trong các giai đoạn từ 2024 - 2030 đảm bảo khả thi và thực hiện lâu dài.

Ông Mạnh cho rằng, để đảm bảo thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cần đảm bảo tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động.

Đề nghị cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, có chính sách động viên bổ sung nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo; đồng bộ điều chỉnh mức lương cơ sở với đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về tổng thu, tổng chi, tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, dự kiến cải cách tiền lương, các nguyên tắc, cơ cấu, phương án phân bổ chi thường xuyên, chi đầu tư ngân sách Trung ương, một số kiến nghị của Chính phủ, đánh giá việc xây dựng Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 – 2026.

Đề nghị chuyển nguồn gói tiền tệ tài khoá không giải ngân hết

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43.

Về sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung đối tượng vào Nghị quyết số 43 và bố trí số vốn gần 3.000 tỷ đồng còn dư sau khi thực hiện chính sách nêu trên cho 05 dự án thuộc ngành y tế...

Tuy nhiên, khi trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này;

Đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43 và Luật Ngân sách Nhà nước.

Về đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư của chương trình, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tối đa việc điều hòa vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định tại Nghị quyết số 93 của Quốc hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục