Từ 2025 trở đi, mức lương sẽ tăng 5-7%
Tại buổi họp báo, một trong những vấn đề được báo chí quan tâm là cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024.
Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vừa qua đã thảo luận về lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới, cụ thể hóa Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo kết luận của Hội nghị Trung ương 8, lộ trình cải cách tiền lương được thực hiện từ ngày 1/7/2024. Trong đó, sẽ thực hiện đủ 6 nội dung của Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương.
Bao gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay; chế độ tiền thưởng sẽ bằng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản, không bao gồm phụ cấp; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương; cải cách tiền lương và thu nhập.
Ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại họp báo. |
Trong đó, theo ông Quý, vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương. Nội dung này đã được Chính phủ báo cáo Trung ương là nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cả giai đoạn từ 2024-2026.
Ông Quý cho biết, sau năm 2024 và từ 2025 trở đi, mức lương sẽ tăng 5-7%. Việc tăng này để đảm bảo mức lương phù hợp, tiệm cận với mức lương của vùng 1.
Đáng lưu ý, lần điều chỉnh này mang tính chất cải cách chứ không chỉ điều chỉnh lương, hay tăng lương, tăng thu nhập. Theo Nghị quyết 27, cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Hai việc này phải đi liền với nhau.
Từ nay đến thời điểm dự kiến thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào ngày 1/7/2024, các cơ quan hữu quan đang tập trung để hoàn thiện dự thảo chính sách, hệ thống thang bảng lương…
Lấy phiếu tín nhiệm từ đầu kỳ họp với 49 chức danh do Quốc hội và HĐND bầu
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được đầy đủ tất cả báo cáo của người có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước 20 ngày và gửi đầy đủ đến tất cả các đại biểu Quốc hội nghiên cứu và cho ý kiến.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, theo quy định của Nghị quyết 96 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, toàn bộ các thông tin của kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu. |
Về việc lấy phiếu tín nhiệm ngay từ đầu kỳ họp, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, đánh giá công tác cán bộ và lấy phiếu, chúng ta đánh giá cho suốt từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay nên việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm từ đầu kỳ họp là việc rất bình thường.
Về danh sách đánh giá lấy phiếu tín nhiệm, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã phê chuẩn và bầu 50 vị trí. Đến thời điểm hiện tại, 49 vị trí đang giữ các cương vị và sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh.
Tuy nhiên, các chức danh không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm gồm các đồng chí đã có thông báo nghỉ hưu và các trường hợp liên quan đến việc được bầu bổ nhiệm trong năm 2023. Danh sách sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội phê chuẩn chính thức vào ngày 24/10/2023 (tức ngày thứ 2 kỳ họp Quốc hội).
Đa số ý kiến đồng tình đổi tên Luật Căn cước
Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trước đó, dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại hội trường và trong các phiên thảo luận tổ ở kỳ họp thứ 5.
Đến nay, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đó là tên gọi của dự án Luật. Nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ đổi tên luật thành Luật Căn cước, trong khi một số đại biểu lại đề nghị giữ nguyên tên gọi như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong quá trình tiếp thu ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh rất cẩn thận, chặt chẽ xin ý kiến, đặc biệt đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách.
“Đến thời điểm này, đa phần các ý kiến cho rằng nên đồng tình với quan điểm với Chính phủ lấy tên là Luật Căn cước”, ông An cho hay.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An thông tin tại họp báo |
Theo đại diện Bộ Công an, việc sử dụng tên của Luật là “Luật Căn cước” như hồ sơ Luật mà Chính phủ trình Quốc hội sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật lần này (bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử), phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật.
Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.
Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.
"Tuy nhiên, đây là dự thảo đang tiếp thu, chuẩn bị đưa ra báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp này. Nhưng chúng tôi đề xuất là Luật Căn cước", ông An nói.
Kỳ họp có khối lượng công việc đồ sộ
Thông tin về chương trình và nội dung kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 23/10/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày): Từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 (7 ngày): Từ ngày 20 đến sáng ngày 29/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.
Ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ông Hà cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương.
Quốc hội cũng xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Xem xét báo cáo của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nhiệm vụ do các cơ quan này phụ trách.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Như thường lệ, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4...
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, đây là Kỳ họp đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm cũng như hằng năm. Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.