Ngân sách đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ 1/7/2024

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024, dự toán chi cải cách tiền lương khoảng 48.000 - 49.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (NSTW).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Chiều 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội đánh giá thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2024.

Bộ trưởng cho biết, ước thu NSNN năm 2023 đạt dự toán, trong đó thu NSTW ước giảm 10.000 - 15.000 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tổng thể ước tăng 10.000 - 15.000 tỷ đồng so dự toán.

Nếu kể cả khoảng 75.000 tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế, thì thu NSNN cả năm ước đạt 1.695.800 tỷ đồng, tăng khoảng 4,6% so dự toán, là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay, ông Phớc nhấn mạnh.

Chi NSNN năm 2023 ước thực hiện 9 tháng đạt 1.239.400 tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán, Bộ trưởng Tài chính cho hay.

Căn cứ đánh giá thu và chi NSNN nêu trên, ước bội chi NSNN khoảng 415.200 tỷ đồng (giảm 40.300 tỷ đồng so dự toán), khoảng 4%GDP. Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép, theo báo cáo của Bộ trưởng.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết, dự toán thu NSNN năm 2024 khoảng 1.700.900 tỷ đồng, tăng 80.100 tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3%GDP.

Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2024 khoảng 2.100.300 tỷ đồng, tăng 24.100 tỷ đồng (+1,2%) so với dự toán năm 2023.

Đề cập khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, ông Phớc nói, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của NSTW các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn NSTW dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng.

Với dự kiến thu - chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng 1 phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024. Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Trong dự kiến bố trí các lĩnh vực, Bộ trưởng cho biết, bố trí dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 (bao gồm nhu cầu kinh phí tăng thêm đảm bảo đủ thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ đầu năm và thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024).

Dự toán chi cải cách tiền lương của NSTW khoảng 48.000 - 49.000 tỷ đồng, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, dự toán chi thường xuyên của NSTW (chưa bao gồm kinh phí thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cả năm 2024) là 522.500 tỷ đồng, chỉ tăng 7.300 tỷ đồng so dự toán năm 2023, đòi hỏi phải rà soát kỹ, cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2023 không tiếp tục phát sinh năm 2024 (khoảng 20.000 tỷ đồng), triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi hội nghị hội thảo, đoàn ra... để đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ tăng chi quan trọng, cấp bách.

Tại kỳ họp này, Bộ trưởng trình Quốc hội xem xét, quyết định, tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT như Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội trong 6 tháng đầu năm 2024.

Nội dung trình Quốc hội tiếp theo là quyết định tăng số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương năm 2024; xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng trình Quốc hội xem xét, quyết định lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW; điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục