Khi DN lên tiếng
Lần đầu tiên có một cuộc đối thoại trực tiếp và trực tuyến giữa doanh nghiệp ở các tỉnh thành trên cả nước với các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển TTCK, tạo động lực mới sự phát triển của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, Ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn tối đa xuống 10%/năm. Trong bối cạnh hiện nay, theo ông Hà, việc tiết giảm lãi suất cho vay có thể thực hiện được với điều kiện NHNN giảm dự trữ bắt buộc mức 1% với VND và giảm 3% với dự trữ bắt buộc ngoại tệ. Còn dữ trữ bắt buộc dự kiến 10% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đề nghị nên ở mức 8%.
Cũng theo ông Hà, Chính phủ đã có chính sách cắt giảm chi tiêu công, nên đề nghị giảm 10% kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ. Chính phủ cần đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn và cấp bù lãi suất vì các ngân hàng được tái cấp vốn rất ít so với tỷ lệ quy định. Quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36 về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho dài hạn dự kiến đưa về 40%, ông Hà đề nghị có lộ trình thực hiện sau 24 tháng.
Đặc biệt, ông Hà nhấn mạnh, cần phát triển cân bằng, đa dạng thị trường tài chính gồm chứng khoán, tín dụng và trái phiếu. Thị trường tài chính chiếm 76% tổng tài sản của nền kinh tế trong khi ở các nước chỉ có 42%, tín dụng ngân hàng chiếm 100% GDP, các nước ASEAN chỉ chiếm 70%. Vốn hóa TTCK hiện khoảng 34% GDP, trong khi bình quân các nước là 70-90%.
Tổng giám đốc Vietjet Air, bà Nguyễn Phương Thảo kiến nghị, cần xóa bỏ định kiến với doanh nghiệp tư nhân trong ngành hàng không, cho phép tư nhân tham gia quy hoạch hạ tầng sân bay. Các hàng không tư nhân cần sự hỗ trợ của các cơ quan cảng vụ, kiểm dịch, hải quan…
“Chúng tôi cần môi trường kinh doanh hiệu quả, bình đẳng hơn nữa, để hàng không tư nhân đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước”, bà Thảo nói.
Tổng giám đốc Công ty sữa Việt Nam Vinamilk, bà Mai Kiều Liên nêu đề nghị, cần mở thêm phòng đăng ký kinh doanh ở TP. HCM để giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, khắc phục sự quá tải hiện nay. Rà soát các điều kiện kinh doanh cắt bỏ giấy phép con và quy định không phù hợp. Luật Đầu tư đã ban hành, cần nâng cao tính liên thông giữa các bộ, ngành để rút ngắn thời gian cấp phép. “Cuối cùng, tôi mong muốn cơ quan Chính phủ coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý”, bà Liên nói.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt cho biết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với thách thức đóng cửa. Một số quy định còn bất cập, như quy định xử lý nước thải áp dụng với tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô. Có doanh nghiệp may chỉ có 400 lao động cũng phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải như doanh nghiệp dệt sử dụng hóa chất.
“Trong quý I/2016, một số khách hàng lớn đã chuyển đơn hàng sang Lào, vì có thuế ưu đãi vào Mỹ và châu Âu khi Hiệp định TPP và FTA mà Việt Nam tham gia chưa có hiệu lực. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng vì quy định lương tối thiểu và giờ làm thêm khó cạnh tranh được, nhất là với doanh nghiệp Trung Quốc”, lãnh đạo Hiệp hội nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Chủ tịch HĐQT HTX Thương mại Saigon Coop, ông Diệp Dũng cho biết, sau 9 năm gia nhập WTO, doanh nghiệp bán lẻ trong nước đối mặt thách thức và cơ hội to lớn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam, nhất là các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp bán lẻ trong nước phù hợp với cam kết WTO.
Ông Dũng chia sẻ: “Saigon Coop đang gặp khó khăn khi đàm phán mua lại Big C sở hữu bởi một công ty đặt ở châu Âu. Đối tác thì lo ngại chúng tôi phải có giấy phép đầu tư ra nước ngoài, mới bán. Còn chúng tôi dự tính thương thảo xong mới xin giấy phép vậy là rơi vào tình huống con gà hay quả trứng có trước”, ông Dũng nói.
Trước kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý khó khăn của doanh nghiệp.
… và lời cam kết của các tư lệnh ngành
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong các hoạt động trọng tâm của Bộ là đến hết 2017 sẽ nâng cao hiệu quả của thị trường tài chính với mức độ sẵn sàng và đầy đủ của dịch vụ tài chính Việt Nam thuộc nhóm 50 nước đứng đầu thế giới.
“Chúng tôi đã có đề án thực hiện, hướng đến mục tiêu vốn hóa của TTCK hết 2020 là 70% GDP. Không còn cách nào khác, phải phát triển TTCK thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp để thực hiện mục tiêu này”, ông Dũng nói.
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đặt vấn đề sửa đổi Thông tư 36 là hợp lý, vì dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tăng cao năm 2015, cao hơn mức tăng tín dụng bình quân toàn hệ thống. Trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh cực lớn mà nguồn vốn này hạn chế cho nên cần hướng dẫn dòng vốn vào lĩnh vực khác.
“Tuy nhiên, căn cứ vào kiến nghị của doanh nghiệp và các Hiệp hội, chúng tôi sẽ xem xét thận trọng và kỹ lưỡng cả về liều lượng và lộ trình dự kiến sửa đổi Thông tư 36”, Thống đốc Hưng nói.
Ông Hưng cũng cho biết, NHNN đã mua vào ngoại tệ trong 4 tháng qua nâng dự trữ ngoại tệ lên mức cao, nhưng diễn biến của tỷ giá tương đối ổn định. Tín dụng tăng trưởng khoảng 3% so với cuối 2015 và cao hơn với cùng kỳ, với mặt bằng lãi suất tương đối phù hợp. Thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, NHNN chủ động điều hành và linh hoạt tập trung theo dõi sát mặt bằng lãi suất, chủ động giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và yêu cầu các ngân hàng thương mại lớn cắt giảm chi phí hoạt động để có điều kiện cắt giảm lãi suất.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ coi nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu trong các năm tới. Theo đó, sẽ tiếp tục đốc thúc đưa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vào cuộc sống, rà soát các quy định điều kiện kinh doanh, loại bỏ các giấy phép con.
“Chúng tôi cam kết tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, kiến tạo cải cách môi trường kinh doanh. Thay đổi cách thức từ hỗ trợ chung chung sang lựa chọn đối tượng, tập trung vào một số doanh nghiệp nhất định và Bộ luôn là bạn đồng hành, đối tác tin cậy và có trách nhiệm với doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nói.
Tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ ra 10 điểm tồn tại, lớn nhất là các luật và văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm so với yêu cầu thực tế. Có những quy định không rõ ràng, tính tương thích không cao, không thống nhất, chưa có cơ chế hiệu quả để khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tạo bước đột phá cho DN. Thực tế, sức cạnh tranh doanh nghiệp không cao do thủ tục, cơ chế chính sách góp phần đẩy chi phí tăng cao; chương trình cổ phần hóa chưa tốt, các DN sau cổ phần hóa có tính đại chúng chưa cao...
Thủ tướng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp Việt đã hụt hơi, phản ánh tốc độ phát triển thời gian qua có hồi phục, nhưng vẫn dựa vào vốn, phát triển theo chiều rộng. Thể chế kinh tế chưa thực sự thông suốt, chưa đột phá cho phát triển, cho năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng. Thông qua diễn đàn này, tôi muốn nhắn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm hành động của Chính phủ trong vai trò kiến tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo của người dân để tiếp tục khơi dậy tinh thần khởi nghiệp”.