Tháng 5, chứng khoán sẽ bước vào chu kỳ điều chỉnh

(ĐTCK) Ở góc độ thận trọng, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS) cho rằng, tháng 5 thị trường sẽ thiếu thông tin hỗ trợ. 
Tháng 5, chứng khoán sẽ bước vào chu kỳ điều chỉnh

Xác suất thị trường điều chỉnh là khá cao, tuy nhiên, nhà đầu tư không cần quá lo lắng, vì xu hướng tăng trung hạn chưa bị đe dọa và việc điều chỉnh này là bình thường sau một đợt tăng dài. Khi chỉ số rơi khoảng 5%-7% sẽ xuất hiện lực cầu gia tăng mạnh mẽ trở lại. 

TTCK đã giao dịch khá thành công trong tháng 4, khi VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 30 điểm (tính đến hết ngày 28/4). Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường sẽ chào đón tháng 5 với chu kỳ thường không mấy lạc quan. Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng giao dịch trong tháng tới?

Năm 2016, diễn biến thị trường có nét tương đồng với những năm trước, đó là quý I tăng trưởng tốt và đặc biệt, đà tăng của VN-Index kéo dài đến đầu quý II mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một trong những nguyên nhân chính là thị trường trước đó đã giảm khá sâu ngay từ giữa tháng 1, vì vậy thời gian phục hồi có phần dài hơn.

Bên cạnh đó, khá nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là ngành dầu khí, đã giảm rất sâu trong năm 2015, đến đầu năm nay, khi giá dầu có dấu hiệu hồi phục, nhóm ngành này đã thu hút sự trở lại của nhà đầu tư.

Tháng 5, chứng khoán sẽ bước vào chu kỳ điều chỉnh ảnh 1

Trong tháng 5, thị trường sẽ đón nhận một số thông tin hỗ trợ tích cực, như việc nới room nóng trở lại, cùng với quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phát triển TTCK. Một điểm đáng lưu ý là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác và hỗ trợ kinh tế phát triển hơn nữa.

Ở góc độ thận trọng hơn, tháng 5 là thời điểm báo cáo tài chính (BCTC) của các công ty đều đã được công bố, vì vậy thị trường sẽ thiếu thông tin hỗ trợ. Bên cạnh đó, trung bình một chu kỳ tăng của thị trường kéo dài từ 2 đến 3 tháng và hiện tại các chỉ số thị trường đang ở mức quá mua.

Hiện tại, chỉ số VN-Index đã gần chạm mốc 600 điểm và tâm lý bán tháng 5 đang là nỗi ám ảnh của nhà đầu tư. Với lý do này, việc sắp tới thị trường điều chỉnh nhiều khả năng xảy ra, tuy nhiên nhà đầu tư không cần quá lo lắng, vì xu hướng tăng trung hạn chưa bị đe dọa và việc điều chỉnh này là bình thường sau một đợt tăng dài. Do đó, chỉ cần chỉ số rơi trong tầm 5%-7% sẽ xuất hiện lực cầu gia tăng mạnh mẽ trở lại.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ở góc độ đầu tư, ông kỳ vọng nhóm cổ phiếu nào sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian tới?

Đến nay đã có trên 400 DN công bố BCTC quý I và thống kê cho thấy, doanh thu các DN tăng nhẹ khoảng 3%, nhưng lợi nhuận lại giảm khoảng 15%. Một trong những ngành có lợi nhuận giảm mạnh nhất là dầu khí và một số ngành khác như chứng khoán, ô tô, điện, với mức giảm trung bình từ 40%-70%.

Ngược lại, một số ngành trở thành ngôi sao sáng quý I, như ngành thép với lợi nhuận tăng trưởng đến 800%. Các ngành xây dựng, thực phẩm và một số lĩnh vực khác tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định như bất động sản, dược, vận tải, với lợi nhuận tăng trung bình 10%-30%. Riêng lĩnh vực ngân hàng, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động và tạo thêm áp lực tăng vốn ở các ngân hàng lớn.

Tôi cho rằng, ngân hàng và dầu khí vẫn là hai nhóm ngành được cả nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhiều nhất. Ngoài ra, những DN bất động sản, xây dựng, thép và dược có hoạt động nổi bật trong năm nay cũng sẽ đón nhận dòng tiền chảy vào cổ phiếu, nhờ có sự hồi phục và kỳ vọng tăng trưởng.

Nhiều khả năng sắp tới lãi suất sẽ chịu áp lực tăng do sức ép từ rủi ro tỷ giá và quyết định tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Với những diễn biến vĩ mô trong thời gian qua, theo ông xác suất về việc điều chỉnh lãi suất có cao không?

Việc Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm ngoái sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh hơn, tạo sức ép lên huy động vốn. Sự thiếu hụt nguồn vốn cân đối sẽ dẫn đến các ngân hàng cạnh tranh nhau bằng lãi suất đầu vào và khi đó, lãi suất đầu ra sẽ là gánh nặng với DN. Chưa kể, các ngân hàng vẫn đang trong quá trình xử lý nợ xấu.

May mắn là trong những tháng đầu năm, áp lực tỷ giá đã giảm bớt và trong quý I, việc xuất siêu đã phần nào giảm gánh nặng lên dự trữ ngoại hối. Việc Fed tăng lãi suất sẽ không diễn ra liên tục trong năm và đã được dự báo từ trước, vì vậy áp lực tỷ giá sẽ không căng thẳng như cuối năm ngoái.

Dù vậy, việc CPI đang có dấu hiệu tăng trở lại và sự thiếu hụt nguồn vốn cho đầu tư sẽ kéo mặt bằng lãi suất có thể nhích thêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ ở trong tầm kiểm soát và mức độ ảnh hưởng đến DN chưa đến mức báo động.

Hoàng Anh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục