Chính phủ đang hành động vì 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả

Vì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020, Chính phủ không ngại chọn phần việc khó. Đó là thay đổi tư duy về quản lý nhà nước với doanh nghiệp, thay đổi cách nhìn về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế.
Một Chính phủ kiến tạo cần những doanh nghiệp có trách nhiệm với sự phát triển của nền kinh tế Một Chính phủ kiến tạo cần những doanh nghiệp có trách nhiệm với sự phát triển của nền kinh tế

Khi doanh nghiệp vào họp… Chính phủ

Sự có mặt của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 23/6/2016 là chưa hề có tiền lệ.

Hôm đó, hơn 300 ý kiến do VCCI tổng hợp từ cộng đồng doanh nghiệp và hàng chục kiến nghị độc lập của CIEM góp ý cho 50 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh được báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.

Bây giờ, khi kể lại lần đầu tiên này, ông Lộc không quên nhắc đến cách làm mà ông gọi là ngược lại toàn bộ quy trình hiện hành. Trong cuộc họp đó, sau khi VCCI, CIEM có ý kiến, các bộ ngành giải trình, giải thích dựa trên các vấn đề doanh nghiệp đặt ra. Cách làm thông thường là các bộ, ngành lấy ý kiến doanh nghiệp trong giai đoạn xây dựng dự thảo, còn góp ý của doanh nghiệp được các ban soạn thảo nghe đến đâu, được giải trình ra sao nếu không được tiếp thu và có đến được người đứng đầu Chính phủ hay không… doanh nghiệp hoàn toàn không biết.

“Ngay trong Phiên họp, tôi đã nói rằng, chưa bao giờ ý kiến doanh nghiệp vào được vòng cuối cùng, bình đẳng với các bộ, ngành trong xây dựng cơ chế chính sách như vậy. Đây chính là minh chứng rõ nhất của một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động vì doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc gặp hồi tháng 4/2016, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kể lại.

Không phải ngẫu nhiên mà VCCI và CIEM lại có mặt trong một cuộc họp của Chính phủ. Tháng 6 là thời điểm các bộ căng như dây đàn với các văn bản đốc thúc tiến độ hoàn tất dự thảo các nghị định về điều kiện kinh doanh, thay thế cho các thông tư về điều kiện kinh doanh sẽ hết hiệu lực vào 1/7/2016. Ở các bộ, nhiều cuộc họp được xếp ngoài giờ hành chính để lãnh đạo các bộ có thể chỉ đạo trực tiếp. Thậm chí, lịch báo cáo tiến độ giữa các bộ và Văn phòng Chính phủ đều diễn ra vào thứ Bảy. Mọi việc tưởng như đã hòm hòm vì Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận bất cứ lý do chậm trễ nào, đã cho phép các bộ, ngành tiến hành theo thủ tục rút gọn.

Nhưng, ngày 14/6, Hội thảo điều kiện kinh doanh: nhận diện và kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) truyền tải lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp không muốn trở thành con tin của những điều kiện kinh doanh 8 không (không đăng dự thảo trên mạng; không lấy ý kiến doanh nghiệp; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không thuyết minh; không bản giải trình ý kiến). Các doanh nghiệp đề nghị VCCI lên tiếng vì sự tồn vong của mình. Báo chí đã đồng thanh.

Kết quả là, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lấy ý kiến thêm một lần nữa với các văn bản chuẩn bị ban hành để tạo ra thể chế tốt nhất. “Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại phiên họp ngày 23/6. 

Kế hoạch về nút chấm điểm… công chức

Lúc này, VCCI đang bận rộn với kế hoạch mới, đó là xây dựng và trình kế hoạch để người dân chấm điểm cán bộ công chức theo hai hình thức định kỳ thông qua phiếu điều tra và gắn máy chấm điểm trực tiếp tại công sở.

Đây không phải là sáng kiến mới. Doanh nghiệp, người dân Quảng Ninh đã tiến hành bấm nút chấm điểm công chức từ đầu năm 2016. Trước đó, năm 2015, Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng đã tổ chức giải thưởng “Nụ cười công chức”. Năm 2016, 10 cán bộ, công chức đã nhận được sự ghi nhận của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thành phố, nhất là doanh nhân trẻ do sự tận tụy, có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Nhưng không dễ để nhân rộng mô hình này. Thậm chí, khi bàn thảo, VCCI cũng đã nhận được kiến nghị từ phía các công chức địa phương rằng, không phải mọi ý kiến của doanh nghiệp đều đúng. Không phải mọi công chức đều hài lòng với đề xuất này.

“Tôi đến làm việc ở nhiều địa phương, nhiều lần rơi vào tình huống lãnh đạo tỉnh ủng hộ, nhưng phía dưới không bằng lòng. Cuộc tranh luận nhiều lúc căng thẳng, vì công chức cho rằng, không thể lấy ý kiến của một vài doanh nghiệp để đánh giá chất lượng công việc của họ được. Rõ ràng, doanh nghiệp chỉ thực sự cảm nhận được cải cách, cảm nhận được Chính phủ vì doanh nghiệp từ hành động, thái độ của công chức họ gặp trực tiếp chứ không chỉ là các cấp lãnh đạo”, ông Lộc nói và cho biết, ông đang tự đặt cho mình nhiệm vụ thuyết phục các địa phương áp dụng mô hình này.

Không phải chỉ doanh nghiệp mới cảm nhận được rào cản của cải cách thể chế từ những công chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đã từng đặt câu hỏi với các đồng nghiệp của mình trong cuộc làm việc về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh rằng, tại sao các ý kiến phản ánh, kêu ca của doanh nghiệp nhiều như thế mà gần như không đến được các địa chỉ giải quyết.

“Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp tới được Thủ tướng Chính phủ, tới người đứng đầu các bộ, ngành qua kênh báo chí. Thủ tướng Chính phủ đã nói là lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu của công việc, nghĩa là công chức phải nhìn thấy vấn đề để chủ động đề xuất giải pháp phù hợp, xem có cần thay đổi không, chứ không thể giữ mãi cách đùn đẩy trách nhiệm và chờ chỉ đạo ở trên như hiện tại”, ông Cung bức xúc chia sẻ.

Có lẽ phải nhắc tới văn bản của Bộ Tài chính ngày 17/8 vừa rồi gửi tới 11 bộ khẩn thiết đề nghị các bộ này triển khai việc rà soát sửa đổi, bổ sung 73 văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.

Vấn đề này đã được đề xuất từ năm 2014, khi thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi thực hiện mục tiêu kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Chính phủ, mọi người mới tá hỏa phát hiện ra, hơn 78% thời gian thông quan thuộc về quản lý chuyên ngành. Điều đáng nói, cả phía cơ quan hải quan và doanh nghiệp đều không nhìn thấy sự cần thiết của các thủ tục này, trong khi chi phí tuân thủ mà doanh nghiệp bỏ ra quá lớn.

“Chúng tôi đã đến tận nơi, tận tai nghe doanh nghiệp khóc lóc vì họ phải mất tới 134 triệu đồng để làm thủ tục dán nhãn năng lượng cho lô hàng 8 chiếc tủ mát trị giá khoảng 178 triệu đồng. Đó là chưa kể họ phải vận chuyển lô hàng này về Hà Nội để làm thủ tục”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) chia sẻ. Và đây không phải là trường hợp duy nhất.

Nhưng mọi kêu ca, phàn nàn, đề nghị phối hợp xử lý giữa các bộ, ngành trong nội dung này đã kéo dài suốt hai năm chưa có hồi kết. Bộ Tài chính vừa rồi buộc phải áp đặt hạn định cho công việc rà soát này là quý IV/2016.

Rõ ràng, nếu không tạo ra sự chuyển biến của cán bộ, công chức trong từng hành động, thái độ và tư duy làm việc, doanh nghiệp sẽ khó cảm nhận được sự hiện diện của Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hướng tới người dân và doanh nghiệp, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết. 

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Lẽ đương nhiên, một Chính phủ kiến tạo cần những doanh nghiệp có trách nhiệm với sự phát triển của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp không né tránh bổn phận này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thẳng thắn, khi thể chế không còn chỗ dung dưỡng cho tư duy xin – cho, thói quen nhũng nhiễu hay thái độ vô trách nhiệm với các vấn đề của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp buộc phải nâng mình lên, có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với sự phát triển chung của nền kinh tế.

“Khi Nhà nước thay đổi, chuyển từ tiền kiểm, không tin tưởng doanh nghiệp sang hậu kiểm – tăng trách nhiệm cho doanh nghiệp thì tư duy của người kinh doanh cũng buộc phải thay đổi. Doanh nghiệp sẽ phải tự dựng lên rào cản cho chính mình – từ ý thức – đó là trách nhiệm xã hội để đến được với lòng tin của người dân. Đây là lúc Nhà nước rút dần sự can thiệp của mình để doanh nghiệp lớn lên, không chỉ giải phóng tự do kinh doanh cho doanh nghiệp mà còn mở đường để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên về nhân cách, về trách nhiệm”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.

Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục