Cụ thể, Chính phủ sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, ban hành các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp để quyết tâm đạt được mục tiêu trên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích, đi đầu và đóng góp rất lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng và Chính phủ sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuân lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi chủ thể thị trường có điều kiện cạnh tranh lành mạnh với nhau theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Tinh thần này đã được cụ thể hóa vào các Nghị quyết của Đảng trên cơ sở đó Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2030. Cũng trên tinh thần này, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tổng kết các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách mới trình Trung ương xem xét. Chính phủ cũng đang soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguyên tắc không phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết quốc tế.
"Phó Đại sứ quán Úc tại Việt Nam Layton Pike cho rằng, tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực sự có sức mạnh do 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn thiếu nền tảng cơ bản để đối thoại với Chính phủ."
“Chính phủ trân trọng và lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, qua đó, hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, ban hành các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp để quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tập trung chăm lo các doanh nghiệp đang có, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cùng với các thành phần kinh tế khác, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế quốc gia”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Eric Sidgwick cho rằng, những chính sách, văn bản pháp lý gần đây đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Những nỗ lực của Việt Nam đã được đánh dấu bởi sự gia tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường quốc tế. Qua đó, tạo sân chơi cho doanh nghiệp, đồng thời hoàn thiện hơn các cơ chế của nền kinh tế thị trường, tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ cho khối doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, Phó Đại sứ quán Úc tại Việt Nam Layton Pike cho rằng, tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực sự có sức mạnh do 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn thiếu nền tảng cơ bản để đối thoại với Chính phủ.
“Sự sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại nhiều giá trị. Do đó, diễn đàn là cơ chế đối thoại quan trọng, tạo những bước tiến giúp cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tham gia hiệu quả vào hoạt động đối thoại chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Layton Pike nhấn mạnh.
Phó Đại sứ Úc cũng khẳng định sẽ hỗ trợ để kết nối các thành phần kinh tế tư nhân với Chính phủ, mang tới nhiều cơ hội hơn nữa, qua đó, xây dựng một sân chơi bình đẳng cho nhóm kinh tế tư nhân và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Khu vực kinh tế tự nhân của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng,” ông Dominic Mellor, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) kiêm Giám đốc Điều hành MBI cho biết. “Một chính sách phù hợp sẽ khuyến khích sự tăng trưởng mạnh và bền vững, đồng thời cũng sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp tư nhân cần đóng góp tiếng nói của mình.”
Ông Dominic Mellor cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn có thể kể đến như sự thiếu hụt các nguồn hỗ trợ phục vụ đổi mới sáng tạo, các quy định cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, sự thiếu đồng bộ trong các chính sách và chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân, cùng với những hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân khẳng định, sau hơn 70 năm phát triển, doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước và được xác định là 1 trong 5 thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân rất mong đợi môi trường kinh doanh cho tư nhân được cải thiện, được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Diễn đàn đã tập chung thảo luận 10 chủ đề, bao gồm Kinh tế số; Giáo dục và Đào tạo; Năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng; Nông nghiệp; Phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; Phân phối và Logistics; Thị trường vốn và huy động vốn; Hội nhập và toàn cầu hóa; Khởi nghiệp và sáng tạo; Cụm liên kết ngành. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế tư nhân được tổ chức thể hiện sự quan tâm lắng nghe và tạo cơ chế đối thoại của Chính phủ với thành phần kinh tế quan trọng này.
Tại phiên toàn thể lần đầu tiên này, Ban Thư ký thường trực sẽ được thành lập và được giao nhiệm vụ cùng các doanh nghiệp tổ chức thực hiện tham vấn đối thoại chính sách và đầu mối hợp tác. Định kỳ hàng tháng/quý/nửa năm/năm sẽ có các báo cáo thực trạng, giải pháp, các đề xuất kiến nghị giải pháp để quá trình đối thoại thiết thực và đạt hiệu quả như kỳ vọng. Diễn đàn đã thông qua tuyên bố chung Diễn dàn kinh tế tư nhân 2016.