1 triệu doanh nghiệp và 70% vốn hóa TTCK

(ĐTCK) Chính phủ đang hướng tới mục tiêu tăng lượng doanh nghiệp lên gấp đôi, để đạt khoảng 1 triệu DN vào năm 2020. Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo các chuyên gia, cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó có thúc đẩy TTCK phát triển để thực sự trở thành kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho DN.
1 triệu doanh nghiệp và 70% vốn hóa TTCK

Điều khá thú vị là mục tiêu đến năm 2020, số lượng DN và tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đều hướng tới tăng gấp đôi so với hiện tại. Nghĩa là chỉ còn hơn 3 năm nữa, số DN sẽ tăng từ 500.000 DN lên 1 triệu DN và vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ tăng từ 35% GDP lên 70% GDP.

Mục tiêu này, theo nhìn nhận của các chuyên gia, là thách thức, nhưng khả thi nếu các cấp, các ngành rốt ráo triển khai các thông điệp và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu tăng lượng DN, cũng như giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu có mối quan hệ và tác động hỗ trợ lẫn nhau.

“TTCK phải đóng vai trò lớn, nổi bật trong góp sức hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu DN trên khía cạnh TTCK phải thực sự trở thành kênh tài trợ vốn trung và dài hạn chủ lực cho DN…”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận và cho rằng, DN đang gặp khó trong tìm kiếm nguồn vốn, do vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng hoặc vốn tự có. Trong khi vốn ngân hàng bản chất là nguồn vốn ngắn hạn, nên vấn đề đáng quan ngại trong hoạt động của các DN Việt Nam là sử dụng nhiều vốn ngắn hạn cho đầu tư dài hạn, dẫn đến tài chính không lành mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để khắc phục hiện trạng này, một trong những giải pháp quan trọng cần được Chính phủ và các bộ ngành quyết liệt triển khai là thúc đẩy TTCK phát triển năng động, lành mạnh hơn để nâng tỷ lệ vốn hóa thị trường cổ phiếu từ khoảng 35% GDP hiện tại lên 70% vào năm 2020, qua đó, rộng cửa hơn cho DN tìm kiếm vốn trên TTCK.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, để thúc đẩy thị trường vốn phát triển hiệu quả hơn, ngoài chú trọng phát triển thị trường bảo hiểm, cần hiện đại hóa hệ thống hạ tầng tài chính với việc phát triển lành mạnh hơn các tổ chức trung gian tài chính; các sản phẩm, dịch vụ mới, mà trước mắt là TTCK phái sinh để đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết. Hiện thị trường vẫn thiếu hàng hóa có chất lượng, nên gặp khó khăn trong thu hút NĐT. Điều này tác động tiêu cực ngược trở lại là DN khó huy động vốn trên TTCK.

“Gia tăng thu hút vốn ngoại là cần thiết để góp phần thúc đẩy TTCK phát triển hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần đặc biệt coi trọng xây dựng lộ trình tự do hóa cán cân vốn theo các kịch bản chi tiết, với các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tác động tiêu cực khi dòng vốn ngoại đảo chiều...”, ông Ngoạn khuyến nghị.

Triển khai thêm các giải pháp mới, mạnh mẽ để thúc đẩy TTCK phát triển, sẽ hỗ trợ cho hiện thực hóa mục tiêu cả nước có 1 triệu DN. Ngược lại, khi số lượng DN tăng thì sẽ mở rộng dư địa cho tăng hàng hóa cả về chất và lượng cho TTCK, qua đó, dần hiện thực hóa mục tiêu đưa vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 70% GDP.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục