Tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay là nhiệm vụ cấp thiết
Chiều 5/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ - ông Trần Văn Sơn chủ trì họp báo; cùng với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan và các cơ quan báo chí.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, vừa qua Hội nghị TW Đảng diễn ra vào tháng 1/2025 đã có một số quyết nghị quan trọng, trong đó bao gồm điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV (tháng 11/2024), Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tốc độ tăng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phương, vừa qua TW có quyết nghị, chỉ đạo GDP tăng trưởng 8% trở lên để bù đắp tăng trưởng thấp của các năm trước, về đích hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025, tạo nền tảng để nước ta bước vào kỷ nguyên mới với định hướng đạt được tăng trưởng liên tục hai con số.
"Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng phù hợp với mục tiêu chúng ta đặt ra trong tương lai để Việt Nam trở thành nước phát triển và có thu nhập cao. Do đó, đây là nhu cầu hết sức cấp thiết", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị tất cả các nội dung, hồ sơ cần thiết.
Trước mắt, Bộ đã trình Chính phủ Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, để Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra vào các ngày 12-18/2 tới.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết riêng của Chính phủ để triển khai nhiệm vụ này và đã được trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ sáng 5/2.
Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết để giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho các địa phương trong cả nước, trong đó các địa phương là "đầu tàu kinh tế" của cả nước sẽ có chỉ tiêu tăng cao hơn.
"Mỗi người phải làm việc bằng hai"
Khi được hỏi về các giải pháp cụ thể để đạt GDP trên 8%, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, các giải pháp tổng thể đã thể hiện ở Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành trước đó, nhưng sau khi điều chỉnh tăng GDP như hiện nay thì phải thực hiện với liều lượng cao hơn, nôm na là "mỗi người phải làm việc bằng hai".
Đi vào các giải pháp trọng tâm, cụ thể, Thứ trưởng cho hay, Chính phủ tập trung các kiến nghị như sau:
Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, coi đó là "đột phá của đột phá", đây là yêu cầu bức xúc, gắn với nhiệm vụ lớn trong năm 2025 là tháo gỡ điểm nghẽn thể chế của các dự án để giải phóng nguồn lực đưa vào nền kinh tế.
Giải pháp về phía cầu, cần tập trung tăng cường vào đầu tư, trong đó tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công và tạo điều kiện thu hút mạnh đầu tư tư nhân. Tại cuộc họp Chính phủ sáng 5/2, Chính phủ đã chỉ đạo giảm 10% chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư công các dự án trọng điểm, trong đó có thể sẽ phải triển khai sớm một số dự án như tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn - Móng Cái...
Về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, quá trình triển khai Nghị quyết 18 sẽ khiến các doanh nghiệp nhà nước sắp tới có sự sắp xếp lại, tạo không gian mới, cơ hội mới để cải thiện chất lượng doanh nghiệp từ đó thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt những doanh nghiệp đầu đàn, có tính chất dẫn dắt nền kinh tế.
Chính phủ chỉ đạo thu hút đầu tư tư nhân của doanh nghiệp trong nước, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp mới thì cần tập trung khơi thông nguồn lực cho các doanh nghiệp hiện tại, đặc biệt là bất động sản, chứng khoán...
|
Các thành viên Chính phủ tại buổi họp báo chiều 5/2. |
Về xuất khẩu, sáng nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng nhận định năm nay xuất khẩu có thể sẽ gặp một số khó khăn do rủi ro trả đũa lẫn nhau về chính sách thuế của thương mại thế giới.
Do đó, cần phải phân tích kỹ tình hình, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khơi thông các thị trường mới. Đồng thời, đảm bảo kết cấu giữa đầu vào, đầu ra.
Đối với tiêu dùng, Chính phủ cho rằng, cần thúc đẩy sức mua của thị trường trong nước. Tháng 1/2025 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63% so với cùng kỳ; cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính. Đây là một thuận lợi lớn.
Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh phát triển du lịch. Năm 2024 chúng ta chứng kiến du lịch phục hồi rất mạnh mẽ, là tiền đề tốt cho du lịch tăng trưởng cao trong năm 2025. Bên cạnh đẩy mạnh cải tiến các sản phẩm du lịch, chúng ta cần nghiên cứu bổ sung thêm chính sách thu hút khách du lịch quốc tế thông qua những chính sách thân thiện hơn.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo ông Phương, hiện Việt Nam đã có vị thế rất tốt trong bản đồ công nghệ trên thế giới. Đây là lợi thế, là cú hích, động lực mang tính dài hạn và cơ hội để chúng ta có thể bứt phá.
Kết luận bài phát biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đây là các giải pháp tổng thể, ngoài ra cần có các giải pháp chi tiết của từng đơn vị. Tất cả các bộ ngành, địa phương cần chia sẻ các giải pháp mang tính đột phá và cố gắng thực hiện với sự nỗ lực cao nhất.