Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 4 động lực để GDP năm 2025 tăng 8 - 10%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, nền tăng trưởng cao của năm 2024, thể chế ngày càng được hoàn thiện, giải ngân đầu tư công tích cực, điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt... là những động lực quan trọng giúp Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2025 và những năm tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm thông tin tại buổi họp báo chiều 8/1 (Ảnh: M.Minh) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm thông tin tại buổi họp báo chiều 8/1 (Ảnh: M.Minh)

Chiều 8/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12 và cả năm 2024.

Tại buổi họp báo, báo chí nêu câu hỏi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2025 ở mức 8%, phấn đấu đạt 10% mà Chính phủ vừa giao.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, tại Nghị quyết 158 năm 2024 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 là khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý phải phấn đấu tăng trưởng cao hơn mức Quốc hội giao: ít nhất 8% hoặc tăng trưởng 2 con số (10% trở lên) trong điều kiện thuận lợi hơn.

Mức tăng trưởng tối thiểu 8-10% cũng là chỉ tiêu GRDP mà Chính phủ giao cho các địa phương "đầu tàu" như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., nhằm tạo động lực đối với tăng trưởng cả nước.

Về cơ sở của mục tiêu tăng trưởng cao nói trên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhận định, có thể dựa vào các động lực sau:

Thứ nhất là mặc dù bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, nhưng bước vào năm 2025, chúng ta được thừa hưởng động lực tăng trưởng và sự phục hồi của nền kinh tế, cụ thể là tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024 (tăng 7,09% so với năm 2023).

Trong đó, hệ thống thể chế được hoàn thiện, là "đột phá của đột phá"; bộ máy sắp được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả… sẽ là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng kinh tế đạt được nhiều kết quả cao.

Theo đó, năm 2024 đã trình Quốc hội thông qua rất nhiều luật, trong đó có những luật được các địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao như Luật Đầu tư công, "1 luật sửa 4 luật" thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; "1 luật sửa 9 luật" thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách; … đã thể hiện được việc phân cấp phân quyền triệt để cho các địa phương.

"Phấn đấu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới, Chính phủ sẽ trình sửa đổi rất nhiều luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp, Luật 69 về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, … để "cởi trói" các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp", ông Tâm thông tin.

Cơ sở thứ hai, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là chủ trương thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong số đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Theo ông Tâm, trong năm 2024, mặc dù chúng ta đã thực hiện việc miễn, giảm, hoãn thuế khoảng 197.000 tỷ đồng, nhưng cuối năm vẫn tăng thu, khoảng 337.000 tỷ đồng.

"Điều này cho thấy, nếu như tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì sẽ thu được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ quay lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn", Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nói.

Đồng thời, Thứ trưởng cho biết, ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành việc miễn, giảm, hoãn thuế VAT cho doanh nghiệp, người dân đến hết tháng 6/2025.

"Nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì sẽ thu được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ quay lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn"

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sẽ tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; cụ thể là đẩy mạnh đầu tư, kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu.

Về đầu tư, ông Tâm cho biết, kế hoạch năm 2025, tổng vốn đầu tư công mà các bộ, ngành địa phương phải giải ngân là khoảng 295.000 tỷ đồng, cùng với số chuyển tiếp của năm 2024 kéo dài sẽ hơn 300.000 tỷ đồng.

"Nếu chúng ta giải ngân được hết tất cả số vốn này sẽ tạo ra động lực thu hút các thành phần kinh tế khác để thúc đẩy động lực tăng trưởng", ông Tâm nói.

Kích cầu tiêu dùng trong nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Năm 2025 sẽ tập trung vào thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, phấn đấu thu hút 120 - 130 triệu lượt khách trong nước và 20 triệu lượt khách quốc tế.

Cơ sở thứ ba được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng; phấn đấu năm 2025, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%.

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Tập trung nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc theo quy mô quy hoạch. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng, động lực đến từ việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, Khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế.

"Đây là cuộc chơi mới để thu hút được thêm được các nguồn lực. Nếu chúng ta làm được việc này thành công thì sẽ có thêm nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục