Động lực nào cho tăng trưởng
Trong kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của nhóm chuyên gia nghiên cứu tại BIDV, Việt Nam có thể đạt mức 7,5% ở kịch bản trung bình và 8% ở kịch bản tốt nhất. Mục tiêu tăng trưởng hai con số sẽ bắt đầu từ năm 2026.
Thông tin trên được TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và Triển vọng 2025 được tổ chức cuối tuần trước. Tuy nhiên, ông cũng nói, việc Việt Nam muốn tăng trưởng đột phá vào thời điểm này là một thách thức.
Các dự báo cho thấy, kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, khi kết thúc năm 2024, mức tăng trưởng là 3,2%, giảm nhẹ so với mức 3,3% của năm 2023, giai đoạn 2011-2019 là 3,5%.
Trong khi đó, rủi ro địa chính trị còn cao, những rủi ro chính sách thương mại toàn cầu bắt đầu tăng vọt với các dự báo tăng thuế sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức cầm quyền. “Đặc biệt, bảo hộ thương mại được dự báo tăng 3 lần so với năm 2019. Điều tra bán phá giá sẽ là công cụ khá phổ biến trong năm nay”, TS. Lực cảnh báo.
Bối cảnh quốc tế trên chắc chắn sẽ làm khó các mục tiêu tăng cao hơn nữa tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, đầu tư trong năm 2025. Thậm chí, ngay cả khi nỗ lực tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, thì cũng chỉ góp thêm được một vài điểm phần trăm vào tăng trưởng.
“Đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 37-40% GDP, trong đó khu vực tư nhân chiếm 56%. Tiêu dùng cuối cùng, bao gồm cả tiêu dùng của người dân và Chính phủ, đang chiếm khoảng 62,5% GDP. Quan điểm của tôi là động lực tăng trưởng năm nay sẽ dựa vào nội lực”, TS. Lực phân tích.
Mối lo doanh nghiệp có quá nhiều thách thức
Xác định tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân trong nước, nhưng TS. Lực rất băn khoăn khi có quá nhiều thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt. Đó là rủi ro pháp lý liên quan đến đất đai chậm xử lý, định giá đất còn nhiều vướng mắc; chi phí đầu vào cao, cụ thể là tiền lương tăng đáng kể, chi phí logistics tăng khoảng 30%, trong khi đơn hàng phục hồi không đồng đều...
“Đặc biệt, kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy đang được Chính phủ triển khai rất nhanh có thể ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện quy trình, thủ tục”, ông Lực chia sẻ.
Vấn đề là, thực trạng trên đang làm khó mong muốn cải thiện nhanh tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân.
Năm 2024, dù tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân có cải thiện so với mức tăng 2,7% của năm 2023, nhưng chỉ quanh mức 7%, chưa bằng một nửa so với trước Covid-19 (17%).
Không chỉ ở góc độ đầu tư, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) còn nhìn thấy sự chậm lại của tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp. Giai đoạn trước đại dịch, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập mới trên số doanh nghiệp rút lui thường là 3 lần, nhưng năm 2023, tỷ lệ này là 1,26 và năm 2024, theo số liệu cập nhật, giảm xuống còn 1,18 lần.
Bà Thảo phân tích, điểm nghẽn lớn nhất là thể chế, từ văn bản đến thực thi. Thậm chí, việc sửa đổi, tháo gỡ các điểm nghẽn cũng tạo nên thách thức lớn cho hoạt động của doanh nghiệp khi thiếu sự tổng thể, vẫn là ngành nào sửa ngành đó.
“Doanh nghiệp thường hoạt động đa ngành, nên dù có hưởng lợi nhờ sự thông thoáng của một ngành, thì sẽ gặp khó khi vướng mắc vẫn còn ở các ngành khác. Ở địa phương, chia sẻ của nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy sự chậm lại trong cải cách, không thấy nhiều sáng kiến cải cách như giai đoạn trước”, bà Thảo thẳng thắn chia sẻ những khảo sát về môi trường kinh doanh của CIEM.
Gỡ thể chế thế nào
Trong các kịch bản tăng trưởng, nếu không thúc đẩy sự gia tăng của khu vực doanh nghiệp tư nhân, thì các mục tiêu sẽ trở nên khó khăn. Thậm chí, bài toán tăng trưởng trên 8% và cao hơn sẽ rất thách thức.
“Sau 35 năm phát triển kinh tế tư nhân, tính từ Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, chúng ta vẫn cứ làm khó doanh nghiệp”, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ và nhắc đến việc hàng loạt cơ chế, chính sách “làm khó” doanh nghiệp cứ tồn tại, còn quy định hỗ trợ lại chỉ có trên... văn bản.
Chẳng hạn, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cho khu vực này từ năm 2017 vẫn chưa được áp dụng. Các quỹ bảo lãnh tín dụng ôm núi tiền, nhưng không thể cho vay…
Thậm chí, TS. Lực đề nghị ban hành nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân, thay thế cho Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vì nhiều nội dung không được triển khai quyết liệt.
Trong Hội thảo, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đề xuất 6 nhóm chính sách để đạt được kịch bản tăng trưởng cao nhất. “Các khuyến nghị đều hướng tới thúc đẩy môi trường kinh doanh. Suy cho cùng, doanh nghiệp là động lực tăng trưởng chính, cần thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững cho họ”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR khuyến nghị.
Các nhóm chính sách theo khuyến nghị của VEPR
Một là, ổn định kinh tế vĩ mô với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, tránh tư duy nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong tăng trưởng.
Hai là, cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ.
Ba là, thúc đẩy động lực phát triển bền vững, dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu để có được tăng trưởng cao.
Bốn là, với những rủi ro ngắn hạn, cần đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Năm là, trong trung hạn, giải quyết các điểm còn hạn chế - dưới mức trung bình - là cơ sở hạ tầng, trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và khoa học công nghệ.
Sáu là, trong dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả.