Cũng giống như những lần đưa ra thảo luận trước đó, việc đề xuất xây căn hộ chung cư 25 m2 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều chuyên gia, chính quyền địa phương lo ngại, việc "chính danh hóa” căn hộ 25 m2 có thể tạo nên những “khu ổ chuột” mới tại các đô thị.
TP.HCM có thể xem là một trong số ít những địa phương kiên quyết nói không với loại hình căn hộ này. Từ hồi đầu năm 2018, địa phương này đã có văn bản đề nghị giữ nguyên quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư thương mại trên địa bàn là 45 m2.
Lý giải cho quyết định "nói không" của mình, TP.HCM cho biết, Thành phố hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh, tốc độ tăng dân số cơ học rất cao. Việc cởi trói pháp lý, cho phép xây dựng chung cư thương mại với diện tích dưới 45 m2/căn sẽ làm đẩy nhanh hơn nữa quá trình này. Qua đó, làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội, vốn đang bị quá tải. Ngoài ra, nó cũng phá vỡ quy hoạch được duyệt, nguy cơ xuất hiện “nhà ổ chuột” trên cao trong lòng đô thị.
Với đề xuất chính thức lần này của Bộ Xây dựng, dù chưa có thông tin về góp ý của TP.HCM, nhưng rất có thể, địa phương này lại một lần nữa phản đối.
Tuy nhiên, lý do cho việc "nói không" của TP.HCM có thực sự hợp lý?
Cần nhớ lại, trong rất nhiều cuộc hội thảo và diễn đàn lớn, nhỏ, nhiều chuyên gia đã lên tiếng khẳng định rằng, diện tích căn hộ không phải là lý do chính gây ra tình trạng “nhà ổ chuột”, mà “ổ chuột” hay không, nhếch nhác hay không nằm ở khâu quản lý nhà nước, cụ thể là quản lý cơ sở, thiết kế hạ tầng, dịch vụ…
Trên thực tế, tại nhiều đô thị phát triển trên thế giới với tốc độ đô thị hóa cao hơn và mật độ dân số đông hơn TP.HCM cũng đã tồn tại căn hộ 25 m2. Đây được xem là phương án hữu hiệu giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân sinh sống và làm việc tại các đô thị này.
Với thiết kế hợp lý, cùng cách sắp xếp nội thất thích hợp, căn hộ 25 m2 vẫn đảm bảo các chức năng cho một gia đình.
Ngay ở các nước láng giềng, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng có quy định phát triển dạng căn hộ diện tích nhỏ, thậm chí siêu nhỏ (căn hộ studio), như căn hộ nhà ở xã hội 15 m2 dành cho 2 người tại Hồng Kông (Trung Quốc), căn hộ 25 m2 tại Thái Lan, căn hộ 20 m2 tại Trung Quốc, hay căn hộ 14 - 26 m2 tại Hàn Quốc.
Và đương nhiên, nếu ai đã từng trực tiếp tham quan những căn hộ này đều không nhìn nhận đây là những "ổ chuột" trên cao.
Điều này cho thấy, việc căn hộ diện tích 25 m2 có thành "ổ chuột" hay không, cần phải xem xét lại, nhất là khi đối chiếu với sự thay đổi về cơ cấu hộ gia đình hiện nay.
Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cách đây không lâu cho thấy, có đến gần 50% số hộ gia đình hiện nay có từ 3 người trở xuống. Cơ cấu hộ gia đình tại các đô thị cũng đang có xu hướng ngày càng nhỏ đi.
Từ đó cho thấy, nhu cầu căn hộ diện tích nhỏ tại các đô thị Việt Nam hiện nay và tương lai là rất lớn. Trên thực tế, thời gian qua, dù không được định danh chính thức, nhưng căn hộ diện tích dưới 45 m2 đã xuất hiện và rất thu hút khách hàng.
Chẳng hạn, tại Hà Nội hay TP.HCM, dòng sản phẩm căn hộ 35 m2 của Vinhomes là một trong những dòng sản phẩm đắt khách và bán chạy trên thị trường. Và đương nhiên, các căn hộ này không ai coi là "ổ chuột" khi người ở nhận được dịch vụ, tiện ích cao cấp do chủ đầu tư cung cấp.
Chính vì vậy, việc Bộ Xây dựng đề xuất cho phép xây dựng căn hộ 25 m2 có thể coi là chìa khóa mở ra lời giải cho bài toán phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Đây là tin mừng cho cả doanh nghiệp theo đuổi phân khúc này, cũng như người thu nhập thấp, gia đình trẻ có nhu cầu về nhà ở, vốn chiếm 60 - 70% tổng nhu cầu ở thực hiện nay.
Chưa kể, việc chính danh hóa căn hộ 25 m2 cũng đồng nghĩa với việc bịt "kẽ hở" của Luật Nhà ở 2014, qua đó chặn cơ chế xin - cho, tham nhũng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com