Sống ngột trong phố…
Nói về những căn nhà diện tích nhỏ, thậm chí siêu nhỏ như lồng chim, mọi người sẽ nghĩ ngay tới khu phố cổ Hà Nội.
Cách đây gần 2 năm, câu chuyện về bố con anh Xuân sống tại căn nhà với diện tích chỉ vỏn vẹn 5 m2 trong ngõ 44 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gây chú ý cho nhiều người. Căn phòng có chiều rộng 1,9 m; chiều dài 2,7 m; chiều cao 1,2 m kiêm đủ mọi chức năng vừa là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng học... của anh Xuân và cậu con trai lớn tuổi.
Cùng cảnh này, gia đình anh Thịnh có căn nhà 12 m2 sống tại Phố Hàng Bè (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Tôi có vài người bạn thân, cũng ở phố cổ, chơi với nhau cả chục năm nay nhưng đâu biết nhà nhau ở chỗ nào. Chỉ biết là cùng cảnh ngộ, nhà rất chật. Thành ra, gặp nhau toàn ở quán cà phê cho tiện”.
Hay chị Hoàng Thị H., ngõ Phất Lộc, Hoàn Kiếm chia sẻ, chị vẫn nhớ mãi ngày đầu về nhà chồng. Không gian sống của gia đình chỉ vỏn vẹn khoảng 20 m2, là chỗ ngủ cho 6 con người, gồm bố mẹ chồng, vợ chồng chị cùng hai đứa em chồng…
Nhiều căn nhà ở phố cố Hà Nội có diện tích không bằng phòng trọ sinh viên
Không chịu được cảnh sống chật chội, nhiều gia đình ở phố phải đi thuê nơi khác để ở. Đơn cử như chị G., ở ngõ 112 Quán Thánh (Ba Đình), căn nhà của vợ chồng chị vỏn vẹn 13 m2, hai gác, là chỗ sinh hoạt của 2 vợ chồng, cùng 2 đứa con.
Lúc đầu thì không sao, nhưng khi có con, nhiều bất tiện phát sinh, nhất là khi chúng nó lớn. Do đó, từ 2 năm nay, gia đình chị đã phải cho thuê lại căn nhà này để đi thuê chỗ ở khác rộng rãi hơn.
… Chọn nhà 25 m2 còn hơn
Nhận định về nhà 25 m2, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, đây là một quyết định rất hợp lý, hợp lòng dân và cũng thỏa mãn được các điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Từ trước đến nay, chúng ta cấm xây dựng nhà ở thương mại dưới 45 m2, nên nhu cầu này bị nén lại. Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu nhà ở cho người độc thân, hay vợ chồng mới cưới, có diện tích nhỏ đang cần rất nhiều.
“Nhiều nước trên thế giới, diện tích tối thiểu cho nhà ở nhỏ hơn nhiều và phân khúc này có thể chiếm đến 30 - 35%. Trong khi đó, tại Việt Nam, phân khúc này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Từ nhu cầu thực tế và nhìn từ bài học của các quốc gia khác, trong tương lai, Việt Nam nên nâng tỷ lệ phân khúc này lên 15 - 20%”, ông Điệp cho biết.
PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng cũng cho biết, với việc thực tế hiện này còn có nhiều người đang phải ở trọ hoặc tá túc trong các căn nhà nhỏ hẹp, thiếu tiện nghi, cuộc sống không đảm bảo an toàn, thì cho phép xây nhà diện tích 25 m2 vẫn ưu việt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, mặt bằng chung giá nhà của Việt Nam vẫn rất cao so với thu nhập, nên việc giảm diện tích tối thiểu của căn nhà sẽ giúp giảm tổng giá trị căn hộ.
Từ yếu tố này, các căn hộ 25 m2 với những gia đình trẻ, những người độc thân, hoặc những người có một con… trong giai đoạn trước mắt vẫn rất cần và đáp ứng được nhu cầu, nên khả năng thanh khoản cũng sẽ rất cao. Căn hộ này sẽ tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp, những người còn khó khăn trong cuộc sống có thể có bước chuyển tốt hơn.
“Tôi cho rằng, việc làm này không mâu thuẫn và cũng tạo điều kiện cho tương lai, vấn đề phải lưu ý về mật độ dân cư. Các căn hộ như vậy chỉ cùng lắm dưới 4 nhân khẩu, không được để phát sinh “chuồng cọp”, cơi nới… và khi thiết kế, cũng phải tránh những tuyến đường vốn đã nhỏ hẹp, gây áp lực lên hạ tầng đô thị xung quanh”, ông Hùng chia sẻ.
Thiết nghĩ rằng, nhu cầu nhà ở của người dân đang rất cao, đặc biệt là phân khúc dành cho người có thu nhập thấp. Việc có thêm lựa chọn từ nhà 25m2 là lời giải hợp lý cho bài toán nhà ở, ổn định gia đình, an tâm lập nghiệp của người dân hiện nay.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com