“Chiến đấu” với hàng nhập ngoại giá rẻ

(ĐTCK) Xác định tính chất nghiêm trọng của vấn đề hàng nhập giá rẻ tràn lan, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực lên kế hoạch chống lại để giành đất sống ngay chính thị trường trong nước. 
Ông Trương Duy Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế và Giám định Xây dựng Sao Việt (ngồi chính giữa) đang trao đổi quan điểm với các chuyên gia của chương trình Ông Trương Duy Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế và Giám định Xây dựng Sao Việt (ngồi chính giữa) đang trao đổi quan điểm với các chuyên gia của chương trình

Quan sát các tuyến phố chuyên về vật liệu xây dựng tại Hà Nội như Cát Linh, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt…, có thể thấy rõ, hàng ngoại nhập giá rẻ đang thống lĩnh các kệ hàng gạch ốp lát, với giá bán rẻ hơn hàng Việt từ 20 đến 40%.

“Ngoài ưu thế giá rẻ, gạch ốp lát xuất xứ Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, màu sắc so với các mặt hàng sản xuất trong nước. Do đó, dù muốn hay không, đa số cửa hàng vẫn bán hàng Trung Quốc”, chủ một cửa hàng gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh trên đường Trường Chinh cho hay.

Không chỉ trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, mà nhiều năm nay, thị trường thực phẩm, tiêu dùng, đặc biệt là đồ chơi cho trẻ em, tại Việt Nam cũng tràn ngập hàng nhập giá rẻ. Tìm mỏi mắt trên thị trường đồ chơi trẻ em trong thời điểm Tết Trung thu cận kề, trong vô vàn các loại đồ chơi gây sốt hiện nay như: xe thần đua siêu tốc, ván trượt siêu hạng, siêu nhân đồng xu, bộ xếp hình Chi-ma…, chẳng thấy mặt hàng “Made in Vietnam” nào. 

Với loại đồ chơi lắp ghép, thị trường cũng có sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng rất ít, nếu có thì cũng không phải là mặt hàng được trẻ em ưa thích. Đặc biệt, giá cả lại cực kỳ đắt đỏ, 300.000 - 700.000 đồng/bộ, chỉ phù hợp với phân khúc cao cấp vốn chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Việc hàng ngoại nhập giá rẻ đang tràn ngập trên thị trường Việt Nam đã và đang gây ra những hệ lụy lớn, như ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, các doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh được và rơi vào tình cảnh kinh doanh không doanh số, không lợi nhuận, phải đóng cửa hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. 

Có thể thấy rõ tình trạng trên trong ngành nhựa. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), hiện có 20 - 30% trong tổng số hơn 2.000 danh nghiệp ngành nhựa phải đóng cửa do khó khăn. Đối với doanh nghiệp sản xuất thanh nhựa uPVC, tình trạng này không chỉ diễn ra với các doanh nghiệp trong nước, mà cả không ít doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí có cả các doanh nghiệp Trung Quốc.

Dĩ nhiên, cùng với những khó khăn nói trên, các doanh nghiệp trong ngành còn phải đối mặt với tình trạng thị trường xây dựng và bất động sản đình đốn - lực lượng chính tiêu thụ các sản phẩm thanh nhựa uPVC.

Riêng trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi, có doanh nghiệp đang phải tính đến nước ngừng sản xuất và nhập hàng giá rẻ về bán. Nếu chọn phương án này, doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề như: người lao động mất công ăn việc làm, thương hiệu Việt trong lĩnh vực đồ chơi trẻ em biến mất, đặc biệt là tạo thêm mối nguy cho người tiêu dùng khi mua hàng ngoại nhập giá rẻ kém chất lượng.

Tuy nhiên, nếu không nhập hàng ngoại về bán thì doanh nghiệp sẽ phải mất thêm thời gian, tiền bạc để đầu tư sản xuất dòng sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và đánh bật được hàng nhập giá rẻ. Điều này với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thật là khó khăn trong bối cảnh này, thậm chí các cổ đông góp vốn sẵn sàng ra đi vì không đồng ý tiếp tục tự sản xuất.

Trên thực tế, với quan điểm bao giờ cũng tìm được con đường ra, nhiều chủ doanh nghiệp dự tính sẽ quyết định tiếp tục tự sản xuất, có thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị trường, tạo thương hiệu cho sản phẩm. Nếu quyết định như vậy, thì CEO cần phải làm thêm những gì nữa để đảm bảo tiêu chí mà CEO hướng đến, đó là giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cả quyền lợi của các cổ đông.

Chương trình Chìa khóa thành công CEO 2014 - phiên bản SME sẽ đưa ra góc nhìn nhiều chiều về vấn đề này.

Anh Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục