Và vì vậy, thách thức của người tiếp quản là một dấu hỏi lớn. Lớn đến mức thông tin về lễ nhậm chức và các bài phân tích về bà Yellen trên các mặt báo lần át một cuộc từ nhiệm đình đám không kém của người đàn ông giàu nhất thế giới Bill Gates tại “đế chế” phần mềm Microsoft cũng trong tuần này.
Quý bà có chỉ số IQ cao
Có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng bà Yellen không phải là một người phụ nữ dễ lẫn vào đám đông. Năm nay 67 tuổi và sở hữu một mái tóc ngắn bạc trắng như cước, bà gây ấn tượng với người đối diện bởi ánh mắt cương trực và đôn hậu. Những người đồng nghiệp cũ ở Đại học California miêu tả bà Yellen là “một quý bà nhỏ bé với chỉ số IQ cao”. Trong mắt bạn bè, bà Yellen là một người có suy nghĩ chín chắn và mang một phong cách khiêm tốn dù có học thức và địa vị đáng nể.
Bà Janet Yellen tại lễ tuyên thệ nhậm chức
Chồng bà, ông George Akerlof, là một nhà kinh tế học từng đoạt giải thưởng Nobel. Hai người đã trở thành một cặp sau khi có cuộc trò chuyện trong một căng-tin của FED, nơi họ có thời gian làm việc cùng nhau. Con trai của họ hiện là một giáo sư tại Đại học Warwick.
Theo báo cáo thống kê tài sản của các quan chức FED năm 2012, vợ chồng bà Yellen có tài sản ròng dao động trong khoảng từ 4-13 triệu USD. Giữ vai trò Chủ tịch FED, bà sẽ được hưởng mức lương 199.700 USD/năm.
Ngoài gắn bó với FED, trong sự nghiệp của mình, bà Yellen đã có thời gian làm công tác giảng dạy tại những trường đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ như Đại học Harvard hay Đại học California. Bà cũng từng giữ vai trò là một trong các cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Từ năm 2004-2010, bà là Chủ tịch FED tại San Francisco, sau đó giữ cương vị Phó chủ tịch FED cho đến khi trở thành vị Chủ tịch của ngân hàng trung ương này vào cuối tháng 1.
Là một thành viên của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận quyết định chính sách tiền tệ của FED, bà Yellen được xem là một đồng minh thân cận của Chủ tịch Ben Bernanke và đồng quan điểm với ông trong các vấn đề chính sách tiền tệ. Bà được cho là người có công hình thành nên chính sách giao tiếp của Mỹ với thị trường, bao gồm định ra các cuộc họp báo hàng quý với sự tham gia của Chủ tịch FED.
Ngoài ra, bà Yellen cũng là người chịu trách nhiệm về quan hệ giữa FED với 12 chi nhánh khu vực. Với vai trò này, bà đã xây dựng được mối quan hệ thân cận với các chủ tịch FED khu vực, trong đó có 5 người giữ lá phiếu đối với chính sách tiền tệ của FED.
Trong vấn đề chính sách tiền tệ, bà Yellen cũng là người đã đưa ra nhiều lập luận sắc bén để ủng hộ cho việc FED duy trì mức lãi suất cơ bản trong khoảng 0-0,25% và duy trì chương trình mua trái phiếu QE. Quan điểm của bà là FED nên tăng cường sứ mệnh tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thay vì đặt nặng vấn đề chống lạm phát.
Thực ra, bà Yellen không phải là người mà Tổng thống Barack Obama tính đến đầu tiên cho cương vị người kế nhiệm ông Bernanke. Ban đầu, ông Larry Summers, một cựu trợ lý cấp cao của ông Obama, mới được xem là nhân vật nổi trội nhất trong số các ứng cử viên cho chức Chủ tịch FED.
Tuy nhiên, sau đó, ông Summers bất ngờ rút lui khỏi cuộc đua do vấp phải sự phản đối nhằm vào việc ông ủng hộ nới lỏng các quy chế giám sát đối với ngành tài chính Mỹ trong thập niên 1990. Sự nới lỏng quy chế này được cho là nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Với sự rút lui của ông Summers, bà Yellen trở thành ứng cử viên nổi trội nhất cho cương vị người đứng đầu FED.
Những người phản đối bà Yellen cho rằng, các tổ chức thường được hưởng lợi từ một phong cách lãnh đạo mới mẻ. Họ lập luận, việc bà Yellen đóng vai trò then chốt trong việc định hình các chính sách hiện tại của FED có thể hạn chế khả năng của bà thực hiện những thay đổi cần thiết.
Ngoài ra, những người phản đối cũng đề cập tới mối quan hệ không được êm thấm giữa bà Yellen với ông Daniel Tarullo, một nhân vật trong Hội đồng Thống đốc của FED. Ông Tarullo là người có mối quan hệ thân cận với nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama. Chưa kể, bà Yellen còn xung đột với ông Gene B. Sperling, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ hiện nay, từ khi hai người còn là cố vấn cho Tổng thống Clinton hồi thập niên 1990.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, thách thức lớn nhất đang chờ đợi bà Yellen ở ghế Chủ tịch FED là bà phải tìm ra được cách điều chỉnh chính sách phù hợp nhất với tình hình mới. Kinh tế Mỹ đang dần lấy lại đà tăng trưởng, và nếu sự nới lỏng quá mạnh vẫn được duy trì, nguy cơ hình thành bong bóng tài sản sẽ xuất hiện. Trong khi đó, việc thắt chặt chính sách quá nhanh chóng có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới quay trở lại với tăng trưởng ì ạch, thậm chí là suy thoái.
Mới đây, FED đã cắt giảm quy mô của gói nới lỏng định lượng QE3 từ mức 85 tỷ USD/tháng còn 75 tỷ USD/tháng, trong khi giữ lãi suất cơ bản đồng USD ở mức 0-0,25%. Vấn đề là trong thời gian tới, bà Yellen sẽ ứng xử ra sao với QE3 và lãi suất.
“Tôi dự báo bà Yellen sẽ tiếp tục duy trì mức cắt giảm quy mô của gói QE3 10 tỷ USD mỗi tháng như hiện nay. Chính sách này sẽ tiếp tục cho tới khoảng tháng 4, và khi đó, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái”, ông Michael Pento, chiến lược gia thuộc công ty Pento Portfolio Strategies, nhận định. “Giá cổ phiếu và bất động sản sẽ giảm, trong khi lãi suất tăng vọt. Đến mùa hè, bà Yellen sẽ phải tăng quy mô của QE3 thay vì cắt giảm”.