Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.
Và Điều 25 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người hoặc nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 24 của Luật này”.
Do vậy, số tiền bảo hiểm được trả của khách hàng trong trường hợp này được tính như sau:
- Bằng toàn bộ số dư tiền gửi tiết kiệm thông thường và tiền gửi tiết kiệm trực tuyến (gồm cả tiền gốc và tiền lãi) nếu tổng số dư này nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm;
- Bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm nếu tổng số dư tiền gửi tiết kiệm thông thường và tiền gửi tiết kiệm trực tuyến (gồm cả tiền gốc và tiền lãi) lớn hơn hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 05/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75.000.000 triệu đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng).