Chế biến sâu, xu hướng thích ứng của doanh nghiệp nông nghiệp

(ĐTCK) Ngành nông nghiệp đang có xu hướng tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng trước tình hình sức cầu sản phẩm sụt giảm cũng như vận chuyển hàng hoá quốc tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chế biến sâu, xu hướng thích ứng của doanh nghiệp nông nghiệp

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước trong 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Suy giảm sức tiêu thụ đang là bài toán mà các ngành kinh tế trong đó có nông nghiệp phải đối mặt.

Ngay với thị trường Trung Quốc, dù nền kinh tế đã mở cửa gần như hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về nông sản vẫn chưa phục hồi như trước.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc họp với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nhằm thảo luận những biện pháp thúc đẩy hợp tác mua bán nông sản giữa hai quốc gia.

Xe chở nông sản vẫn xếp hàng ở cửa khẩu với Trung Quốc dù tình hình đang dần được cải thiện, cho thấy một thực tế là xuất khẩu, đặc biệt các mặt hàng thô rất bấp bênh.

Trong khi đó, “Báo cáo Toàn cảnh phát triển châu Á 2020” nhận định, giao thương toàn cầu được dự đoán giảm 40% vào năm 2021 “vì chúng ta vẫn chưa thấy được tác động của virus đối với châu Phi, Nam Mỹ, Trung Á và các khu vực khác, nơi hệ thống y tế còn hạn chế”.

Việc suy giảm sức cầu và đình trệ giao thương quốc tế chính là hai thách thức lớn được đại hội đồng cổ đông nhiều công ty nông nghiệp tổ chức mới đây tập trung thảo luận.

Trong bối cảnh đó, giải pháp ứng phó được xem là khả thi bao gồm tập trung chế biến sâu, gia tăng thời gian bảo quản và sử dụng sản phẩm, nhất là xây dựng các sản phẩm có thương hiệu để gia tăng biên lợi nhuận gộp.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, ông Nguyễn Duy Thuận, tân Tổng giám đốc Công ty cho biết, Việt Nam có thể chuyển từ một nước cung cấp gạo không thương hiệu trở thành một nước cung cấp gạo thương hiệu.

Với riêng Lộc Trời, Công ty đã chuyển sang gạo có thương hiệu với mục tiêu đưa giá tiệm cận với gạo Thái Lan.

Để thúc đẩy tiến trình này hơn nữa, Lộc Trời sẽ triển khai nền tảng sản xuất “không tiền mặt”, nôm na là nhu cầu về nông sản sẽ được đặt hàng trước thông qua đội ngũ bán hàng, nhận đơn hàng từ các nhà xuất khẩu, các đại lý, vựa gạo và nhà máy.

Sau đó, Công ty sẽ chuyển toàn bộ đơn hàng này thành kế hoạch sản xuất; kế hoạch được các ngân hàng tài trợ thông qua bảo lãnh của Lộc Trời, nguồn vốn được chuyển qua Công ty để chuyển hóa thành vật tư nông nghiệp, giống và dịch vụ, cung cấp cho nông dân.

Với nhiều doanh nghiệp trồng và chế biến cà phê, hạt tiêu, thay vì xuất khẩu thô, họ đang đầu tư lớn để bán thành phẩm và chế biến thành các sản phẩm sẵn dùng, tiện lợi.

Tương tự, với ngành điều, số liệu của Hiệp hội Hạt điều Việt Nam cho biết, cả nước xuất khẩu khoảng 370.000 tấn hạt điều trong năm 2019, chiếm 14% tổng sản lượng thế giới của loại nông sản này.

Đáng chú ý, điều Việt Nam với nhiều sản phẩm phong phú như điều rang muối, điều tươi bóc sẵn vỏ đóng gói… được bán rộng rãi tại các siêu thị châu Âu với các thương hiệu Việt Nam, chứ không phải dưới tên các nhãn hàng nước ngoài. 

Tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Nafoods mới đây, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, hoa quả sấy đang trở thành mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp, được các thị trường nước ngoài ưa chuộng, đặc biệt là khách châu Âu.

Biên lợi nhuận gộp của mặt hàng này đạt trên 20%, thuộc nhóm cao nhất trong các nhóm hàng mà Nafoods đang cung cấp. Doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng công suất các nhà máy hiện hữu tại Long An, Nghệ An và có thể nghiên cứu đầu tư thêm nhà máy mới trong các năm tới.

“Chế biến sâu, sản xuất chuỗi, ban đầu có thể không thích hợp ngay với mọi nông dân, tuy nhiên chắc chắn cả người dân và doanh nghiệp sẽ có lợi hơn khi có nhiều cơ hội trong sản xuất và phân phối, nhất là các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận. Người tiêu dùng Việt, cũng như người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới đều có nhu cầu dùng sản phẩm sạch, ngon và bổ dưỡng”, đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số nhìn nhận.

Phúc Hồng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục