Chạy đua hút vốn đại chúng

(ĐTCK) Ngày 27/9 là thời hạn cuối cùng để nhà đầu tư đăng ký, nộp tiền cọc tham gia đấu giá cổ phần Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp (Idico). Phiên đấu giá diễn ra đầu tháng 10, được nhận định mở màn cho nhiều phiên đấu giá lớn dịp cuối năm. Cơ hội không thiếu đối với các nhà đầu tư sẵn tiền.
Chạy đua hút vốn đại chúng

Hàng nhiều

Chín tháng đầu năm 2017, đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, có 23 đơn vị tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2016.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.833 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng.

Quan trọng hơn là lượng hàng từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn đang tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)…

Giá trị các doanh nghiệp này, nếu cộng lại ước tính cả chục tỷ USD. Cân đo lượng hàng như thế nào để thị trường có thể hấp thụ được đang là bài toán đặt ra với cơ quan chủ sở hữu vốn của những doanh nghiệp này.

Trước e ngại của nhà đầu tư về việc cả 3 doanh nghiệp lớn gồm PV Power, PV Oil, BSR đều lên kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 11 - 12 năm nay, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng, vấn đề này đã được PVN tính đến, nhưng không quá lo ngại. Bởi lẽ, mỗi đơn vị hoạt động trong một lĩnh vực khác nhau, hướng đến các nhóm đối tượng nhà đầu tư khác nhau.

Chạy đua hút vốn đại chúng ảnh 1

 Nhà đầu tư đang chờ đợi các đợt đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp lớn như PV Oil, Idico, PV Power, BSR...

Tham gia Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp BSR, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, việc cổ phần hóa BSR đang được triển khai theo đề án tái cấu trúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tỷ lệ và lộ trình chào bán cổ phần sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, đồng thời phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi của phương án.

Trên cơ sở đánh giá tính khả thi trực tiếp nhu cầu thị trường, Ban chỉ đạo cổ phần hóa BSR đã đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa, với các phương án được tính toán kỹ để đảm bảo rằng IPO sẽ thành công.

Nhà máy lọc hóa dầu có đặc thù là hạ tầng lớn, vốn đầu tư lớn, dòng tiền ổn định, nhưng lợi nhuận ở mức theo thông lệ thế giới, nên nhà đầu tư cần sự thận trọng đánh giá lâu dài.

“Trong phương án mà chúng tôi trình Chính phủ, đối tác chiến lược có thể mua tối đa tới 49%. Chúng tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là doanh nghiệp có mức độ hấp dẫn nhất định, bởi ngành nghề sản xuất cơ bản và nhà máy được quản trị tốt trong thời gian qua”, ông Hùng nói.

Dòng vốn thông minh đang nóng lòng tìm cơ hội đầu tư. Sức hấp dẫn từ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước lớn do đó gia tăng đáng kể so với một vài năm trước. Phiên đấu giá cổ phiếu Viglacera diễn ra trong tháng 5/2017 thu hút hơn 1.000 nhà đầu tư tham gia, giá trúng thầu bình quân cao hơn 30% so với giá khởi điểm. Các phiên đấu giá cổ phần lần đầu của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trên HOSE, HNX trong năm 2017, theo thống kê, hầu hết đều thành công.

Quá khứ hoàng kim có lặp lại?

Thị trường chứng khoán từng ghi nhận những bức ảnh lịch sử về các cuộc đấu giá cổ phần. Đó là vào những năm 2006, khi còn áp dụng phương thức đấu giá tập trung, hàng dòng người xếp hàng dài dằng dặc chờ đến lượt bỏ phiếu tham dự vào thùng đấu giá tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội).

Thời đó, nhiều người không cần phân tích, đọc kỹ thông tin về doanh nghiệp đấu giá cổ phần, mà đua nhau tham dự đấu giá theo đám đông. Chỉ cần trúng đấu giá, bán tờ giấy thông báo đã kiếm được cả “mớ” tiền.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán chiều 27/9 tại một đại lý đấu giá cổ phần của Idico cho thấy, khá đông nhà đầu tư tham gia, trong số đó có những nhà đầu tư cá nhân đặt cọc tới vài trăm nghìn cổ phần/người. Không chỉ cổ phần bán đấu giá, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược của tổng công ty này cũng diễn ra cuộc đua giữa các nhà đầu tư tư nhân gồm Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Bitexco, Tập đoàn SSG. Có lẽ, tin rằng cổ phần của mình hút khách, Idico chẳng mấy mặn mà trong việc quảng bá thông tin.

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, với đợt ra hàng rầm rộ của các doanh nghiệp nhà nước, quá khứ hoàng kim liệu có lặp lại? Đấu giá cổ phần có thể nóng hơn, nhưng quá khứ sẽ khó có thể lặp lại.

Ghi nhận các phiên đấu giá gần đây, kể cả phiên đấu giá cổ phiếu Viglacera cho thấy, giá trúng thầu thấp nhất và cao nhất không quá chênh lệch nhau, chưa đến 50%. Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán nhận xét, trước khi tham dự các phiên đấu giá, nhà đầu tư nghiên cứu khá cẩn thận về từng doanh nghiệp và thường bỏ giá theo phân tích cũng như khả năng tài chính của mình, ít khi có chuyện a dua theo đám đông.

“Không chỉ có cơ hội từ các đợt đấu giá cổ phần, nhà đầu tư luôn có nhiều cơ hội với các cổ phiếu trên sàn, hoặc cổ phiếu mới, vì theo quy định, doanh nghiệp IPO sẽ sớm phải niêm yết cổ phiếu ngay sau đó”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.               

Một số doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm 2017: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex, Tổng công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Idico, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ truyền hình Viễn thông Việt Nam, Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Sóc Trăng, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hưng Yên, Công ty TNHH In Bắc Cạn, Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Nam Định; Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kiên Giang…

Phương Châu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục