Bất động sản, điểm sáng Đồng Nai
Tại buổi tọa đàm: “Thị trường bất động sản Đồng Nai, nhận diện cơ hội và rủi ro” do Báo Đầu tư phối hợp với EXIMRS tổ chức ngày 15/9, các chuyên gia thị trường cho rằng, sau cơn sốt nhà đất ở TP. HCM, sức nóng đang lan ra thành phố lân cận khu vực này, đặc biệt là Đồng Nai, địa phương có tốc độc tăng trưởng GDP cao và thu hút FDI lớn của cả nước.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Đồng Nai đã phát triển vào giai đoạn ổn định. Phân khúc đất nền đang có giá vừa phải phù hợp với nhu cầu khách hàng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.
“Nhiều khách hàng đầu tư bất động sản ở Đồng Nai như gửi một khoản tiết kiệm dài hạn với tầm nhìn sau năm bảy năm nữa giá trị đất sẽ tăng cao”, ông Khương nhấn mạnh.
Theo Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, tính tới hết năm 2016, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở cung cấp gần 30.200 căn/nền trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Thị trường thứ cấp chiếm lĩnh tổng nguồn cung của Đồng Nai với khoảng 27.600 căn/nền, tương đương hơn 90% tổng nguồn cung, trong khi số lượng nguồn cung hiện hữu trên thị trường sơ cấp chỉ khoảng 2.600 căn/nền.
Với vai trò điều phối buổi tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư đánh giá, thời gian qua, Đồng Nai trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư bất động sản vì tỉnh này là lựa chọn thích hợp trong xu hướng dịch chuyển về các địa phương lân cận TP. HCM để mua đất an cư, trong bối cảnh giá đất nền ở TP. HCM đã ở mức khá cao và đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Đặc biệt là chủ trương xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã khiến các dự án trong khu vực xung quanh sân bay sôi động hơn, chưa kể hàng loạt công trình giao thông trọng điểm cũng liên tục được Chính phủ triển khai.
Các diễn giả trao đổi tại buổi Tọa đàm - Ảnh: Lê Toàn
Sự sôi động của thị trường bất động sản Đồng Nai đã được phản ánh vào giá cổ phiếu của các công ty có dự án lớn ở tỉnh này, điển hình là Long Điền (LDG). Hiện tại, không ít nhà đầu tư vừa nắm giữ bất động sản vừa mua cổ phiếu của công ty niêm yết có dự án tiềm năng ở Đồng Nai.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, phân khúc đất nền có lợi thế riêng trong danh mục đầu tư, vì số lượng đất nền là hữu hạn nên giá trị sản phẩm đất hay nhà đất sẽ tăng theo thời gian. Do vậy, những nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, mong muốn mức lợi nhuận ổn định nhưng tốt hơn lãi suất ngân hàng, đồng thời giữ giá trị tài sản sẽ chọn đất nền, ông Ngọc nhận định.
Đầu tư căn hộ hay mua cổ phiếu?
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI chia sẻ, trong năm qua, 67% thanh khoản của thị trường bất động sản tập trung ở phân khúc trung cấp và nhà giá bình dân cho thấy nhu cầu mua nhà để ở nhiều hơn là để đầu cơ. Vì thế, thay vì đầu cơ căn hộ thì nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản có dự án bán hàng thành công ở phân khúc căn hộ trung cấp.
So sánh tổng thể các kênh đầu tư thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả nhất so với các kênh khác. Ông Minh bày tỏ sự lạc quan về thị trường trong những tháng cuối năm dù cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cao như đầu năm không còn, bởi nhiều cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh. Tuy vậy, chứng khoán vốn được ví như “phong vũ biểu” của nền kinh tế trong khi mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra cao hơn các năm, tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trong các tháng cuối năm, là yếu tố thúc đẩy thị trường này.
Đáng chú ý, trên thế giới đang có một sự dịch chuyển dòng tiền từ thị trường Mỹ vào nhóm chứng khoán ở các thị trường mới nổi và cận biên. Từ đầu năm đến nay, khối ngoại liên tục mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dòng chảy vốn này vẫn đang tích cực khi giới đầu tư giữ tâm lý lạc quan. Diễn biến này khác hẳn năm 2014 - 2015 khi dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán và dịch chuyển vào những kênh đầu tư an toàn hơn như trái phiếu và vàng.
Buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản Đồng Nai, nhận diện cơ hội và rủi ro” thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư
Ông Minh cho biết, một phần nguyên nhân dòng tiền chảy vào chứng khoán tại các thị trường mới nổi và cận biên bởi nhóm này đang bị định giá rẻ. Chưa kể, Việt Nam rõ ràng là thị trường mạnh khỏe hơn các thị trường còn lại nhờ nền kinh tế ổn định, tốc độ tăng trưởng vượt bậc và thị trường có nhiều yếu tố mới như: con số doanh nghiệp niêm yết mới lớn, tiến trình thoái vốn nhà nước được đẩy mạnh, tạo ra nhiều hàng hóa để nhà đầu tư lựa chọn.
Đồng quan điểm trong ưu tiên lựa chọn kênh đầu tư chứng khoán trong những tháng cuối năm, chuyên gia MBS cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ giữ xu hướng tăng điểm, mức cao nhất có thể đạt được trong năm 2017 là 850 điểm nhờ sự tăng trưởng của hầu hết các nhóm ngành. Trong khoảng 1,5 - 2 tháng trở lại đây, dù xu hướng thị trường là tăng điểm nhưng mặt bằng giá của các nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, vật liệu xây dựng… có sự điều chỉnh rất rõ ràng và tương đối nhiều.
Theo ông Ngọc, giai đoạn thị trường tăng về chỉ số mà không tăng về giá cổ phiếu sẽ sớm qua đi, khi các yếu tố tác động tới tâm lý nhà đầu tư như tháng Ngâu, các vụ đại án ngân hàng, hiệu ứng tiêu cực ETF cơ cấu danh mục sẽ qua đi, không còn ảnh hưởng tới thị trường.
Ngày 20 - 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có phiên họp để quyết định việc tăng lãi suất và thu hẹp các chương trình hỗ trợ kinh tế. Theo dự báo của các thành viên thị trường, nhiều khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong tháng 9 và chưa thu hẹp các gói nới lỏng tiền tệ bởi lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu, tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện nhưng chưa bền vững. Và do vậy, quyết định này sẽ hỗ trợ thuận lợi cho các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tiết kiệm, vàng và ngoại tệ chỉ là nơi cất tiền
Thời gian qua, tiết kiệm, vàng và ngoại tệ được coi là nơi cất giữ tiền nhiều hơn là một kênh đầu tư có khả năng sinh lợi. Với mức lãi suất thấp và có khả năng tiếp tục giảm, gửi tiết kiệm ngân hàng không được đại đa số các chuyên gia tài chính và nhà đầu tư lựa chọn.
Với kênh đầu tư vào vàng, trong diễn biến ngắn hạn gần đây, giá vàng ghi nhận mức tăng mạnh, nhưng theo các chuyên gia, kim loại quý này có biến động rất khó lường và chỉ có xu hướng tăng trong ngắn hạn vì căng thẳng chính trị leo thang. Theo thống kê, trong khoảng 3 - 4 năm nay, vàng vẫn nằm trong xu hướng đi xuống và xu hướng này khá dài hạn vì kinh tế thế giới đã dần phục hồi. Với những yếu tố như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, vàng chưa phải là kênh đầu tư tốt, nhất là tại Việt Nam, khi chủ yếu đầu tư vàng vật chất, luôn có sự chênh lệch cao hơn so với giá vàng thế giới, có thời điểm chênh 4 triệu đồng/lượng. Vàng chủ yếu là tài sản giá trị, thay vì là kênh đầu tư hưởng chênh lệch giá.
Với ngoại tệ, riêng đồng USD đang yếu đi và khả năng sẽ yếu tiếp, điều này một phần do chính sách của Tổng thống Trump đi ngược với chính sách “đồng USD mạnh” của các thế hệ tổng thống trước. Do vậy, đồng USD năm nay được dự báo không có nhiều biến động, điều này có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Minh có lời khuyên, nếu nhà đầu tư quan tâm kênh đầu tư ngoại tệ có thể chú ý tới đồng yên Nhật (JPY) vì hiện đây là đồng tiền mạnh nhất.
Bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm hay vàng là những sự lựa chọn luôn hấp dẫn người có tiền. Chọn đầu tư vào đâu và quản trị như thế nào để có lãi là câu chuyện của từng người, nhưng chọn đúng thời điểm thuận lợi để rót vốn thì luôn có cơ hội thành công cao hơn.