Trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống còn 1,3% trong tuần qua, thấp nhất trong gần 12 tháng. Những điều này đang tạo nên một đường cong lợi suất… duỗi thẳng, cùng những chuyện ngạc nhiên khác.
Có 3 nhân tố chính đã dẫn đến những diễn biến bất ngờ như vậy.
Thứ nhất, những lo ngại liên tục về tăng trưởng yếu ớt của Mỹ và châu Âu - bao gồm dữ liệu chậm chạp của khu vực đồng euro (eurozone) trong quý I - đã nhân thêm những lo lắng gần đây đối với “lạm phát thấp”. Những lo sợ lạm phát quá thấp và quá dài dần dần sẽ dẫn đến kỳ vọng lạm phát giảm theo.
Có lẽ không có gì cho thấy rõ về những lo lắng đó hơn là những chỉ báo của Ngân hàng Trung ương Đức, vốn có truyền thống “hoang tưởng” với vấn đề lạm phát. Chính điều này sẽ hỗ trợ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liều lĩnh hơn với chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm chống lạm phát thấp.
Thứ hai, các ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu sẵn sàng tiếp tục duy trì lãi suất thấp lâu hơn để kích thích tăng trưởng và ngăn chặn nguy cơ giảm phát. ECB được dự đoán sẽ đưa ra một loạt biện pháp kích thích mới khi Hội đồng Thống đốc của Ngân hàng sẽ họp vào ngày 5/6 tới. Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, nhắc lại trong tuần trước rằng, ông không có gì phải vội vã tăng lãi suất, bất chấp những lo ngại về bong bóng nhà ở.
Cùng lúc, bên kia Đại Tây Dương, mặc dù Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang rút dần khỏi chương trình mua tài sản hàng tháng, nhưng ngày càng có nhiều quan chức Ngân hàng khẳng định sẽ tìm cách giữ lãi suất thấp thêm một thời gian dài nữa.
Thứ ba, vị thế thị trường đã tăng áp lực lên các nhân tố kinh tế và chính sách. Rất ít nhà giao dịch sẵn sàng với các mức lãi suất thấp hơn, huống hồ đường cong lợi suất đang thẳng ra. Trong bối cảnh đó, diễn biến giảm lợi suất gần đây đã kích hoạt các lệnh dừng thị trường, buộc họ phải mua trái phiếu để hạn chế tổn thất. Trong khi đó, lãi suất càng thấp hơn thì càng khó cho một bộ phận nhà đầu tư tổ chức dài hạn duy trì mức định giá thấp đối với trái phiếu.
Về lý thuyết, không cần phải lo lắng nhiều về điều này bởi lãi suất thấp hơn sẽ tự điều chỉnh cả 3 nhân tố trên. Chẳng hạn, bằng cách giảm tỷ lệ cầm cố, những người đang sở hữu nhà sẽ tăng được khả năng thanh toán, một sáng kiến để tái tài trợ các khoản thế chấp - và cả hai sẽ hỗ trợ giá nhà cũng như hoạt động xây nhà ở mới. Chúng cũng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư bán bớt trái phiếu để đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn.
Trên thực tế, đây là mục tiêu chính của các chính sách phi truyền thống mà các ngân hàng trung ương đang áp dụng, với hy vọng rằng, giá cả tăng lên ở các tài sản rủi ro sẽ giúp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp cảm thấy dễ thở hơn, qua đó khuyến khích tiêu dùng và đầu tư.
Tuy nhiên, việc lãi suất giảm đột ngột sẽ làm tăng những lo lại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến hiện tượng bán tháo cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác – đang có lo ngại ngày càng lan rộng rằng, giá của những cổ phiếu tăng mạnh trước đây đã tách rời điều kiện kinh tế thực.
Trong nhiều phân khúc của các thị trường trái phiếu (không tính các trái phiếu chính phủ chất lượng cao), sự bất ổn về lãi suất càng lớn thì rủi ro điều chỉnh càng lớn, khi mà các nhà đầu tư đói lợi suất đã chạy đến với các trái phiếu lợi suất cao ở ngoại vi châu Âu và một số thị trường mới nổi.
Trong khi rủi ro điều chỉnh sẽ hiện hữu trong những tuần tới đây, các nền kinh tế phương Tây vẫn có thể tránh được con đường đổ vỡ, thay vào đó, bước vào con đường tự điều chỉnh tích cực. Nhưng đây là điều không chắc chắn trong điều kiện chứng khoán đã bị định giá quá cao, rủi ro địa chính trị từ Ukraine và những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình hạ cánh nền kinh tế để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới.
Lần này, các chính sách vốn có của các ngân hàng trung ương có lẽ sẽ không giúp gì nhiều để ổn định thị trường, hỗ trợ tăng trưởng và ngăn ngừa rủi ro giảm phát. Những gì cần làm là tiếp tục hàn gắn các nền kinh tế phương Tây, thông qua cả chính sách tài khóa lẫn chính sách tiền tệ cùng các biện pháp tăng cường năng lực sản xuất, bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng.