Ủy ban châu Âu cho biết, 750 tỷ euro bao gồm 500 tỷ euro tiền trợ cấp và 250 tỷ euro cho các quốc gia thành viên vay.
Để có số tiền này, châu Âu sẽ đi vay từ các thị trường tài chính. Họ dự định sẽ hoàn trả từ năm 2028 đến 2058. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố kế hoạch phục hồi sẽ "biến thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt thành một cơ hội".
Tuần trước, Đức và Pháp đã gật đầu đồng ý để phát hành nợ chung EU để Ủy ban châu Âu có thể xúc tiến kế hoạch huy động 500 tỷ euro phục vụ cho mục đích trợ cấp các nước thành viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bước tiến này được xem là sự đột phá và mang tính lịch sử vì Đức luôn phản đối về ý tưởng nợ chung, ngay cả trong các cuộc khủng hoảng trước đó.
Tuy nhiên, vẫn có 4 quốc gia thành viên EU phản đối kế hoạch vay nợ để trợ cấp giảm thiểu thiệt hại. Cụ thể, Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch cho rằng, nên chuyển trợ cấp thành hình thức cho vay. Họ cũng đề xuất các nước vay phải có cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ.
Một quan chức Hà Lan giấu tên nói với CNBC rằng tiến trình đàm phán khá nhạy cảm và quan điểm các nước còn xa nhau. Ý tưởng gói 750 tỷ euro do Ủy ban châu Âu tiết lộ cũng chưa được chốt và sẽ còn mất thêm thời gian.
"Thật khó tưởng tượng được kế hoạch dự kiến này được chốt như vậy khi đàm phán kết thúc", vị này bình luận.
Đại diện các nước thành viên dự kiến họp trực tuyến vào ngày 18/6 tới, với hy vọng tìm được sự đồng thuận về chi tiết của gói phục hồi.
Nghị viện châu Âu, tổ chức EU được bầu trực tiếp duy nhất, cũng sẽ phải phê duyệt bất kỳ viện trợ tài chính mới nào.
Trong khi đó, đã có những biện pháp ngắn hạn khác đang triển khai trên khắp châu Âu. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang mua trái phiếu chính phủ như một phần của chương trình trị giá 750 tỷ euro và có tới 540 tỷ euro sẵn sàng cho trợ cấp thất nghiệp, đầu tư kinh doanh và các khoản vay cho chính phủ.