Chật vật tiêu thụ, doanh nghiệp xi măng “đông cứng”

Năm 2014, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngành xi măng (vốn  chưa thoát khỏi tình trạng “đông cứng” vì thị trường xây dựng chưa hồi phục) vẫn rất khốc liệt, khi tiêu thụ chỉ tăng 3-5% so với năm 2013, ở mức 62-63 triệu tấn, trong khi tổng công suất đã vượt 70 triệu tấn.
Chật vật tiêu thụ, doanh nghiệp xi măng “đông cứng”

Đặt giả thiết rằng, việc tiêu thụ trùng khít như dự báo và các doanh nghiệp không điều chỉnh công suất, thì lượng xi măng dư thừa sẽ là 7 triệu tấn, chưa kể 7 triệu tấn của 5 dây chuyền mới sẽ được đưa vào vận hành trong nửa cuối năm. Điều này đặt sức ép lớn về tiêu thụ lên vai các doanh nghiệp trong ngành xi măng.

Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả cho biết, thị trường xi măng năm 2014 vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, nguồn cung vẫn lớn. Sự cạnh tranh quyết liệt của các thương hiệu lâu năm và thương hiệu mới đòi hỏi Xi măng Cẩm Phả phải có nhiều sáng tạo và đổi mới trong khâu bán hàng, như củng cố lại hệ thống nhà phân phối, mở rộng thị trường, cải tiến công tác quản lý…

Năm 2014, Xi măng Cẩm Phả đặt mục tiêu tiêu thụ 1,7 triệu tấn xi măng, xuất khẩu 650.000 tấn clinker, doanh thu 2.690 tỷ đồng. “Toàn thể Công ty sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ ngay từ đầu năm, cải tiến chính sách bán hàng để cán đích mục tiêu nêu trên”, ông Vịnh nói.

Lo lắng về tiêu thụ của Xi măng Cẩm Phả là hoàn toàn hợp lý, khi mà sức ép về tài chính, đặc biệt là khoản vốn lẫn lãi vay đầu tư của Xi măng Cẩm Phả còn rất nặng nề. Nhà máy Xi măng Cẩm Phả có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm, đi vào hoạt động năm 2008 và tính đến giữa năm 2013 lỗ hơn 1.700 tỷ đồng.

Năm 2013, Viettel đứng ra mua lại 70% cổ phần tại Công ty và Nhà máy Xi măng Cẩm Phả đã có cơ hội “đổi vận”. Tuy vậy, năm 2013, dù đạt kết quả kinh doanh khá (doanh thu 2.300 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2012, sản lượng tiêu thụ nội địa đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn, sản lượng clinker xuất khẩu hơn 813.000 tấn), nhưng với chi phí trả lãi vay tới 364 tỷ đồng, cộng với các chi phí tài chính khác, Xi măng Cẩm Phả vẫn lỗ 19 tỷ đồng.

Năm 2014, chưa tính gốc vay đầu tư, chênh lệch tỷ giá, thì chỉ riêng lãi vay đầu tư mà Xi măng Cẩm Phả phải trả đã lên tới 210 tỷ đồng… Rõ ràng, trong khi tiêu thụ xi măng toàn xã hội tăng không đáng kể, thì việc duy trì hoạt động của một nhà máy xi măng với công suất trên 2,3 triệu tấn, bán hàng tốt để thu tiền về trang trải công nợ, chi phí tài chính là gánh nặng oằn vai.

Năm 2014, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đặt mục tiêu tổng sản phẩm tiêu thụ 21 triệu tấn, sản xuất 16-17 triệu tấn clinker, doanh thu trên 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận 500 tỷ đồng, duy trì thu nhập bình quân của người lao động bằng năm 2013. Nếu so với kết quả của năm 2013 (tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 21,608 triệu tấn, tăng 7,8% so với năm 2012, doanh thu đạt 30.496 tỷ đồng), thì các chỉ tiêu trên đều thấp hơn, thể hiện sự thận trọng của Vicem trước cuộc đua tiêu thụ khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Cũng phải nói thêm rằng, các nhà máy thuộc Vicem đều đang trong thời kỳ trả nợ (gốc lẫn lãi) vốn vay đầu tư. Đơn cử, năm 2013, do phải trích 730 tỷ đồng trả nợ vay đầu tư, cộng với khoản chênh lệch tỷ giá EUR/VND lớn lên tới trên 100 tỷ đồng, nên hạch toán tài chính cả năm 2013, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn đã bị âm hơn 100 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, nếu không bán được hàng, thì dự kiến trả xong nợ gốc và lãi vay đầu tư dây chuyền vào năm 2019 của Vicem Bút Sơn không thể thực hiện được. Trong khi đó, các doanh nghiệp chạy ngược xuôi, tìm đủ chiêu thức, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh, bán với giá thấp để giành khách hàng. Đó là chưa kể, các chi phí đầu vào không ngừng tăng, như giá than tăng từ 37-41% từ tháng 4/2013, giá điện tăng 5% từ tháng 8/2013, vỏ bao tăng 0,6%...

Trước sức ép về tiêu thụ, dù được nhận định không lợi bằng bán trong nước, nhưng xuất khẩu vẫn là kênh tiêu thụ được các doanh nghiệp xi măng coi trọng trong năm 2014. Nhất là khi năm 2013, công tác này đã được triển khai khá hiệu quả, với kết quả ấn tượng, đạt xấp xỉ 14 triệu tấn.

Cụ thể, Vicem cho biết, doanh nghiệp này sẽ phấn đấu xuất khẩu ủy thác cho các đơn vị để đạt mốc 2,6 triệu tấn xi măng và clinker, tăng 300.000 tấn so với năm 2013. Với Xi măng Cẩm Phả, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào được dự báo sẽ còn tăng cao, thị trường bất động sản chưa thể phục hồi mạnh, nguồn cung xi măng tiếp tục tăng, thì xuất khẩu xi măng cũng vẫn là kênh tiêu thụ đáng kể, với mục tiêu vượt 1 triệu tấn trong năm nay.

Thế Hải (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục