Lỗ nặng
Tính đến hết quý III/2012, sản lượng xi măng, vôi, thạch cao bằng 92,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, lượng tồn kho xi măng lên tới 150% so với cùng kỳ.
Thực trạng này được phản ánh rõ nét trên kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp ngành xi măng đang niêm yết. 19 doanh nghiệp niêm yết ngành xi măng và vật tư xi măng đều có kết quả kinh doanh quý III/2012 rất khiêm tốn, nhiều đơn vị lỗ nặng. Trong đó, Xi măng Bút Sơn (BTS - sàn HNX) và Xi măng Hà Tiên 1 (HT1 - sàn HOSE) lỗ nặng nhất.
Quý III, BTS lỗ 68,9 tỷ đồng sau hai quý đầu năm lãi kiêm tốn (quý I lãi 1,8 tỷ đồng, quý II lãi 1,3 tỷ đồng). Bên cạnh doanh thu giảm 84 tỷ đồng (12%) so với cùng kỳ 2011, BTS còn phải thực hiện chiết khấu bán hàng nhằm đảm bảo doanh thu và giữ khách hàng. Điều này khiến các khoản giảm trừ trong kỳ tăng tới 19,6 tỷ đồng (80,5%) so với cùng kỳ.
Trong khi đó, HT1 lỗ do chi phí giá vốn và chi phí bán hàng tăng đột biến. So với cùng kỳ, doanh thu của HT1 tăng 13,6%, đạt 1.507 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán tăng tới 24,7%, lên 1.121,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng cũng tăng gần gấp đôi (từ 58,6 tỷ đồng lên 112,4 tỷ đồng). Vì vậy, dù chi phí tài chính và lãi vay trong kỳ giảm 20%, HT1 vẫn lỗ ròng 29,8 tỷ đồng. Với tình hình như hiện nay, HT1 khó có thể tránh khỏi nguy cơ 2 năm liên tục thua lỗ.
Danh sách công ty xi măng lỗ quý III còn có Xi măng Quảng Ninh (QNC - sàn HNX) lỗ 375 triệu đồng, Xi măng Tiên Sơn Hà Tây (TSM - sàn HNX) lỗ 1,75 tỷ đồng, Xi măng Yên Bái (YBC - sàn HNX) lỗ 1,85 tỷ đồng và Xi măng Sài Sơn (SCJ - sàn HNX) lỗ 9,1 tỷ đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp thua lỗ trên, vẫn có doanh nghiệp duy trì được lãi nhờ tiết kiệm chi phí, tổ chức quản lý doanh nghiệp tốt. Trong đó, CTCP Xi măng Hoàng Mai (HOM - sàn HNX) lãi ròng 11,7 tỷ đồng trong quý III, nâng lãi lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 lên 54,6 tỷ đồng, CTCP Vật tư vận tải Xi măng (VTV - sàn HNX) lãi ròng trong kỳ 7,7 tỷ đồng, lũy kế lãi 23,5 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lợi nhuận này giảm nhiều so với cùng kỳ 2011. Trong đó, lợi nhuận quý III/2012 của HOM chỉ bằng 47% cùng kỳ, của VTV cũng giảm 9%.
Hàng tồn kho cao, thanh khoản thấp
Những khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản khiến đầu ra của ngành vật liệu xây dựng nói chung và xi măng nói riêng gặp khó. Tính đến hết quý III, tổng giá trị hàng tồn kho của riêng 19 doanh nghiệp niêm yết ngành xi măng lên tới 3.148 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho dưới dạng nguyên vật liệu và chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang chiếm tới 72%. Điều này cho thấy, tình trạng trì trệ trong sản xuất - kinh doanh ở các doanh nghiệp xi măng.
Lượng hàng tồn kho cao, trong khi nợ ngắn hạn lớn đã làm khả năng thanh toán nhanh của các doanh nghiệp ngành xi măng thấp một cách đáng lo ngại [khả năng thanh toán nhanh = (tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn - hàng tồn kho)/nợ ngắn hạn].
Hết quý III, nợ ngắn hạn của HT1 là khoảng 4.324 tỷ đồng (trong đó vay ngắn hạn ngân hàng và vay dài hạn tới hạn trả là 2.300 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn của Công ty là 1.752 tỷ đồng, trong đó có tới 1.062 tỷ đồng là hàng tồn kho. Điều này khiến hệ số khả năng thanh toán nhanh của HT1 ở mức thấp nghiêm trọng (xem bảng).
Nhóm những công ty có hệ số thanh toán nhanh dưới 0,5
Mã CK
|
Tên công ty
|
Hệ số thanh toán nhanh
|
HT1
|
0,16
|
|
TBX
|
CTCP Xi măng Thái Bình
|
0,28
|
BTS
|
CTCP Xi măng Bút Sơn
|
0,33
|
HOM
|
CTCP Xi măng Hoàng Mai
|
0,35
|
DXV
|
0,46
|
Tương tự, nợ ngắn hạn của BTS là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng là 945,5 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn là 1.061 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho là 408,8 tỷ đồng. Hệ số thanh toán nhanh của BTS là 0,33.
Ngay cả những doanh nghiệp báo lãi quý vừa rồi như HOM, Xi măng Thái Bình (TBX), Xi măng và vật liệu xây dựng Đà Nẵng (DXV) cũng có hệ số thanh toán nhanh ở mức thấp.
Với việc bài toán đầu ra khó có lời giải trong một sớm một chiều, sức ép thanh khoản đang đè nặng lên các doanh nghiệp ngành xi măng.