Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trao đổi với Báo Đầu tư về triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2023.
Thưa Thứ trưởng, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tổ chức vào cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã một lần nữa nhấn mạnh những kết quả tích cực của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2023. Tuy đây là những con số chưa được như kỳ vọng, nhưng cũng là kết quả của những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Ông có thể chia sẻ điều này?
Kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, chúng ta vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Một trong số đó là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát được kiểm soát tốt, với Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng là 3,29% và đang trong xu thế giảm dần. Đây chính là nền tảng quan trọng và là dư địa để chúng ta có thể thực hiện các giải pháp để kích thích tăng trưởng trong nửa cuối năm.
Có thể nói, trong khó khăn như vậy, chúng ta đã chứng kiến sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị. Ở cấp trung ương, Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp, chính sách để làm sao ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng… Cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng vậy. Tất cả đều biết rằng, chúng ta đang rất khó khăn, nên đều chủ động, linh hoạt điều chỉnh các kế hoạch của mình để thích ứng với tình hình mới.
Mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đều chưa được như kỳ vọng, nhưng xu hướng đang ngày càng tích cực hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Các số liệu về tăng trưởng GDP, hay xuất nhập khẩu… đều cho thấy điều đó. Đây cũng chính là điều khiến chúng ta có thể kỳ vọng vào triển vọng tích cực hơn của nền kinh tế trong nửa cuối năm.
Nhưng thưa Thứ trưởng, với tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ ở mức 3,72%, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là vô cùng thách thức. Liệu chúng ta có tính đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, hay là sẽ quyết tâm chắt chiu từng cơ hội cho tăng trưởng?
Đúng là mức tăng trưởng GDP 3,72% của 6 tháng còn khoảng cách khá xa với mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã quyết nghị. Đây là một thách thức lớn, bởi theo như kịch bản kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật, để đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong cả năm, 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng xấp xỉ 9%.
Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Mặc dù vậy, trong các báo cáo, cũng như trong tham mưu với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhất quán quan điểm là sẽ nỗ lực, phấn đấu đạt được cao nhất mục tiêu đề ra.
Có thể thấy, trong các yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế 2023, thì yếu tố khách quan là rất lớn. Khu vực công nghiệp chính là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của yếu tố bên ngoài, khi cầu thế giới giảm, đơn hàng xuất khẩu giảm. Vì thế, khu vực này tăng trưởng rất thấp, chỉ hơn 1% trong nửa đầu năm. Nhưng bù lại, chúng ta lại thấy sự nỗ lực rất lớn của khu vực nông nghiệp - vốn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, và khu vực dịch vụ, đang trong xu thế phục hồi mạnh mẽ. Hai khu vực này đã “đỡ” cho khu vực công nghiệp rất nhiều trong cơ cấu chung về tăng trưởng GDP 6 tháng qua và vẫn đang có nhiều cơ hội để phát triển.
Vì thế, để đạt được cao nhất mục tiêu đề ra, chúng ta phải chắt chiu từng cơ hội một. Tôi cũng thấy một xu thế chung hiện nay là các doanh nghiệp cũng đang chắt chiu từng đơn hàng. Họ không lãng phí một đơn hàng nào, dù rất nhỏ, để làm sao duy trì và từng bước phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Để chắt chiu từng cơ hội tăng trưởng, có lẽ, chúng ta cần nhiều giải pháp hơn nữa. Vượt qua ý nghĩa của một hội nghị ngành, Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trở thành một diễn đàn để các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương thảo luận, tìm ra các giải pháp cho nền kinh tế. Đâu là những giải pháp trọng tâm, thưa Thứ trưởng?
Đúng là tại Hội nghị, các chuyên gia, các địa phương đã thảo luận và kiến nghị nhiều giải pháp. Các giải pháp này, cũng như các giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, cũng rất phù hợp với những nội dung tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, mà Chính phủ vừa ban hành. Tiêu đề của Nghị quyết rất rõ ràng, mà nhìn vào đó có thể thấy nội hàm của những giải pháp sẽ thực hiện, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng…
Có rất nhiều giải pháp được đặt ra.
Thứ nhất, vẫn phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên, hiện nay, trong Nghị quyết của Chính phủ cũng như thảo luận của các chuyên gia, đã có sự điều chỉnh linh hoạt hơn về hai mục tiêu này. Đó là Nghị quyết 105/NQ-CP đã đặt mức độ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng lên trước kiểm soát lạm phát, bởi lẽ qua phân tích tình hình kinh tế vĩ mô, có thể thấy, lạm phát đang được kiểm soát hiệu quả, tạo ra dư địa để có thể dành ưu tiên nhiều hơn cho thúc đẩy tăng trưởng.
Rất nhiều cơ chế, chính sách đang và sẽ được thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các chính sách tiền tệ, tài khóa. Tôi cho rằng, “điểm rơi” của các chính sách này sẽ vào nửa cuối năm.
Thứ hai, không còn cách nào khác, phải thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, mà muốn thế, yếu tố thị trường là rất quan trọng. Bên cạnh việc khuyến nghị doanh nghiệp tận dụng các FTA để tìm kiếm thị trường mới, đơn hàng mới, bạn hàng mới để xuất khẩu, thì cũng cần thúc đẩy thị trường trong nước.
Đây là cái chúng ta có ở trong tay, không phụ thuộc thị trường bên ngoài. Với quy mô dân số trên 100 triệu người, nếu chúng ta quan tâm thúc đẩy được, kích thích được nhu cầu tiêu dùng nội địa, thì sẽ kích thích được sản xuất - kinh doanh, “đỡ” được cho các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó.
Thứ ba, là cải cách hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, dài hạn là thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng, tạo nền tảng và động lực cho tăng trưởng lâu dài.
Thứ tư, điểm rất mới, đó là làm thế nào để khắc phục được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tăng cường sức sáng tạo, dám làm dám chịu vì lợi ích chung.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ vẫn luôn nhấn mạnh cần tập trung thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Nhưng động lực xuất khẩu và tiêu dùng đang rất khó khăn, nên chúng ta chỉ có thể trông chờ lớn nhất vào động lực đầu tư. Phải làm sao để thúc đẩy động lực quan trọng này, khi mà áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm là rất lớn, nhất là đối với nguồn lực từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội?
Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo phải rà soát các động lực tăng trưởng để có giải pháp thúc đẩy. Về xuất khẩu và tiêu dùng, vừa rồi chúng ta đã đề cập. Còn về đầu tư, đây đúng là một động lực rất quan trọng. Tuy nhiên, không chỉ là đầu tư công, chúng ta còn cần phải quan tâm thúc đẩy cả đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước.
Về đầu tư công, như chúng ta đã biết, năm nay, tổng nguồn lực đầu tư công là hơn 700.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng, đã giải ngân được hơn 30%, tức là vẫn còn hơn 490.000 tỷ đồng nữa phải giải ngân trong nửa cuối năm. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng không có nghĩa chúng ta không thể làm được.
Có mấy lý do.
Thứ nhất, chúng ta đã có quá trình rất dài mấy năm nay tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương cũng đang nỗ lực, quyết tâm rất lớn để giải ngân. Đây là nền tảng, là động lực rất lớn để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân 490.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm.
Thứ hai, hiện nay, cơ chế phục vụ cho giải ngân vốn đầu tư công rất linh hoạt. Quốc hội mới đây đã cho phép sử dụng linh hoạt, hài hòa vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với vốn của kế hoạch trung hạn và hàng năm. Tức là, chúng ta sẽ không phải phân định rạch ròi đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương nữa, mà có thể hài hòa sử dụng, miễn làm sao có thể giải ngân hết và sử dụng hiệu quả nguồn lực của cả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công.
Nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng chúng ta có niềm tin là có thể giải ngân được 95% vốn kế hoạch, như mục tiêu đề ra. Bởi lẽ, những năm gần đây, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Như năm ngoái, 6 tháng mới giải ngân được hơn 27% kế hoạch, nhưng cả năm vẫn đạt hơn 95%.
Nhóm đầu tư thứ hai là đầu tư nước ngoài. Hiện nay, các số liệu thống kê đều cho thấy sự chuyển biến tích cực hơn của dòng vốn này. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là hướng dòng vốn vào các dự án đầu tư, các lĩnh vực ưu tiên mà chúng ta cần. Đó là thu hút các dự án lớn, của các tập đoàn lớn, trong các lĩnh vực thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo, chế biến - chế tạo, công nghệ cao, hay các lĩnh vực cho thấy nhiều triển vọng trong tương lai, như chip bán dẫn, hydrogen…
Về thu hút đầu tư trong nước, hiện nay, nhiều cơ chế chính sách đã và đang được thực hiện, như chính sách tháo gỡ cho thị trường trái phiếu, nới room tín dụng, giảm lãi suất…, nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền. Tuy nhiên, để thúc đẩy đầu tư trong nước, vấn đề phải lo là cầu thị trường nước ngoài và trong nước. Khi chúng ta thực hiện được các giải pháp kích cầu, thì sản xuất - kinh doanh và đầu tư của tư nhân trong nước sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm.
Vậy với các giải pháp tổng lực này, ông kỳ vọng thế nào về sự phát triển của nền kinh tế trong nửa cuối năm, cũng như những năm tiếp theo?
Có thể nói, rất nhiều cơ chế, chính sách đang và sẽ được thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các chính sách tiền tệ, tài khóa. Tôi cho rằng, “điểm rơi” của các chính sách này sẽ vào nửa cuối năm. Hơn nữa, với Nghị quyết 105/NQ-CP vừa được ban hành, gồm 6 quan điểm, 3 mục tiêu và 5 nhóm giải pháp, nếu chúng ta thực thi quyết liệt và hiệu quả, thì kinh tế - xã hội sẽ tích cực hơn vào nửa cuối năm và sẽ đạt được mức cao nhất có thể, tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm và Chiến lược phát triển 10 năm.