"Giải ngân 490.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm là nhiệm vụ nặng nề, nhưng không có nghĩa không thể làm được"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Talkshow Đối thoại đầu tuần với chủ đề Chắt chiu từng cơ hội tăng trưởng do Báo Đầu tư tổ chức ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có những chia sẻ về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm.
"Giải ngân 490.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm là nhiệm vụ nặng nề, nhưng không có nghĩa không thể làm được"

Nền kinh tế đã đi qua 6 tháng đầu năm với nhiều khó khăn. Nhìn nhận về thời gian tới, xin Thứ trưởng phân tích về những thách thức cũng như cơ hội để chúng ta có thể tận dụng thúc đẩy tăng trưởng?

Thứ nhất, thách thức vĩ mô vẫn còn nhưng xu thế đang tích cực dần lên, đặc biệt là lạm phát. Các kế hoạch điều chỉnh lãi suất của FED hay các ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu cho thấy độ giãn, cũng như biên độ tăng lãi suất thấp hơn trước. Đây vừa thách thức nhưng cũng là cơ hội, triển vọng trong tương lai.

Thứ hai, về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, mặc dù nhu cầu vẫn ở mức thấp nhưng chi tiêu của người dân trên thế giới đã nhích dần. Tin mừng là hiện các doanh nghiệp bắt đầu lác đác có đơn hàng, dù đơn hàng chỉ ở mức nhỏ nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nắm bắt. Ngoài ra, cơ hội nữa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là tận dụng các hiệp định FTA thế hệ mới, đặc biệt là mở rộng thị trường. Các thị trường truyền thống đang gặp khó khăn thì chúng ta cần phải tính tới các thị trường mới, mặc dù những thị trường này về quy mô có thể không bằng những thị trường truyền thống nhưng chúng ta phải chắt chiu cơ hội trong thời gian tới.

Thứ ba, đầu tư cũng là thách thức, nhưng về ngắn hạn thì tác động của đầu tư không lớn bằng dài hạn. Nếu không có các khoản đầu tư lớn, dự án lớn, quan trọng vào thời điểm này thì 5 – 10 năm tới, năng lực tăng thêm của nền kinh tế là một vấn đề cần quan tâm nhiều hơn.

Những sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư hiện nay cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư. Qua điều tra, nhận định của các nhà đầu tư thế giới về thị trường Việt Nam rất tích cực, họ vẫn cho Việt Nam là điểm đến tốt trên thế giới và luôn nằm trong danh sách khi họ cân nhắc mở rộng đầu tư, đầu tư mới.

Talkshow Đối thoại đầu tuần với chủ đề Chắt chiu từng cơ hội tăng trưởng do Báo Đầu tư thực hiện ngày 24/7 (Ảnh: Chí Cường).
Talkshow Đối thoại đầu tuần với chủ đề Chắt chiu từng cơ hội tăng trưởng do Báo Đầu tư thực hiện ngày 24/7 (Ảnh: Chí Cường).

Tại phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Xin Thứ trưởng chia sẻ những giải pháp đó là gì?

Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cao nhất có thể, trong buổi họp, ý kiến của các chuyên gia, địa phương cho thấy các giải pháp ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng tới trong 6 tháng cuối năm khá phù hợp với công tác chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Qua thảo luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Nghị quyết của Chính phủ, có rất nhiều giải pháp được đặt ra, nhưng có một số nhóm giải pháp hết sức quan trọng.

Thứ nhất, duy trì và theo đuổi ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên, nghị quyết đã có sự linh hoạt giữa hai mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Nghị quyết 105 đã đặt mức độ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng lên trước ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, nhưng hiện chúng ta đang kiểm soát hiệu quả nền kinh tế vĩ mô, điều này đã tạo ra một dư địa để ưu tiên nhiều hơn cho thúc đẩy tăng trưởng nhằm đạt mục tiêu cao nhất có thể.

Thứ hai là phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Muốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, yếu tố thị trường hết sức quan trọng. Cần khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới, những mặt hàng mới, đơn hàng mới để xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Nghị quyết có một nội dung trọng tâm là thúc đẩy thị trường trong nước. Hiện nay, quy mô dân số của nước ta trên 100 triệu dân, là thị trường lớn, nhu cầu lớn. Do đó, phát triển được thị trường trong nước sẽ kích thích được nhu cầu, tiêu dùng nội địa và kích thích sản xuất kinh doanh. Những mặt hàng phục vụ thị trường nội địa sẽ khác với xuất khẩu, nhưng vẫn sẽ có sự trùng hợp nhất định và đỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đang gặp khó về đơn hàng quốc tế. Phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng là giải pháp cụ thể mà Nghị quyết đã nêu.

Thứ ba, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ đặt đây là một nhiệm vụ để chúng ta tạo lập, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực sự hấp dẫn của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư trong bối cảnh khó khăn, bởi đây là một giải pháp vừa ngắn hạn vừa dài hạn. Ngắn hạn là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước hiện nay, dài hạn là thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng lâu dài.

Thứ tư là khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, "dám làm dám chịu" vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ công chức. Đây là một nhiệm vụ mới hết sức khó khăn không chỉ đơn thuần là những các giải pháp mang tính kỹ thuật pháp lý, mà còn cả các giải pháp về mặt tâm lý.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm (Ảnh: Chí Cường).

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm (Ảnh: Chí Cường).

Trong ba động lực tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và tiêu dùng vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, do đó, chúng ta đang thúc đẩy đầu tư. Thứ Trưởng có thể phân tích việc chúng ta sẽ phải tập trung như thế nào cho các giải pháp về thúc đẩy đầu tư?

Trong cơ cấu của nhóm đầu tư có ba mảng chính, đầu tiên là đầu tư công. Tổng mức đầu tư công chúng ta phải giải ngân trong năm nay khoảng 700.000 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 30%, còn lại khoảng 490.000 sẽ phải là nhân trong trong 6 tháng cuối năm. Dù đây là một nhiệm vụ nặng nề, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể làm được bởi một số nguyên do.

Thứ nhất, chúng ta đã có một quá trình rất dài suốt mấy năm nay để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng. Các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các bộ ngành, các tỉnh thành phố đều rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân. Tôi cho rằng đây là nền tảng, động lực rất lớn để chúng ta có thể hoàn thành giải ngân 490.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.

Thứ hai, cơ chế để phục vụ cho giải ngân hiện nay rất linh hoạt. Quốc hội cuối tháng 5 đã thông qua và cho phép cơ chế linh hoạt, hài giữa chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội với kế hoạch đầu tư công hàng năm và 5 năm chúng ta đang làm. Có thể hiểu rằng, nếu như tiền của chương trình phục hồi là tiền “mua mắm” và tiền của chương trình của kế hoạch đầu tư công là tiền “mua tương”, thì cơ chế không còn phân định rạch ròi giữa hai loại tiền này, chúng ta có thể sử dụng lẫn nhau để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, làm sao để giải ngân hết được số tiền của cả hai chương trình.

Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng chúng ta có niềm tin là có thể giải ngân được hơn 95%. Xu thế các năm gần đây đều cho thấy chúng ta đạt được nhiều tiến bộ trong việc giải ngân đầu tư công và có một quy luật là các tháng đầu năm thường thấp, cuối năm sẽ cao. Đầu năm là công tác chuẩn bị, giữa năm thực hiện và tích lũy khối lượng để cuối năm giải ngân một thể. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân chỉ được 27%, nhưng cuối năm vẫn đạt được hơn 95%.

Nhóm đầu tư thứ hai là đầu tư nước ngoài. Hiện nay, các số liệu về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư trực tiếp FDI cũng như đầu tư gián tiếp góp vốn kinh doanh cũng cho thấy một mức tăng trưởng nhất định, tức là có sự chuyển biến tích cực hơn so với hồi đầu năm cũng như là năm ngoái.

Nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta là định hướng được các dòng vốn, dự án đầu tư đúng các lĩnh vực ưu tiên chúng ta cần. Đây là một nhiệm vụ khó, chúng ta sẽ phải thu hút những dự án lớn, dự án của các tập đoàn, các doanh nghiệp có quy mô lớn trên thế giới đầu tư đến Việt Nam.

Bên cạnh đó là những lĩnh vực thân thiện với môi trường, có triển vọng phát triển trong tương lai như: chip bán dẫn, hydrogen, lĩnh vực chế biến chế tạo với công nghệ cao, công nghệ hiện đại... Cũng như gắn với đầu tư năng lượng tái tạo và thể hiện cam kết của Việt Nam trong COP 26 và chuyển đổi năng lượng trong quy hoạch điện VIII.

Đầu tư năng lượng tái tạo thể hiện cam kết của Việt Nam trong COP 26 và chuyển đổi năng lượng trong quy hoạch điện VIII (Nguồn: Internet).

Đầu tư năng lượng tái tạo thể hiện cam kết của Việt Nam trong COP 26 và chuyển đổi năng lượng trong quy hoạch điện VIII (Nguồn: Internet).

Đối với đầu tư trong nước, cơ bản chúng ta cũng tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về thể chế như các quy định về trái trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp của ngành ngân hàng trong việc nới room tín dụng ngay từ bây giờ, lộ trình giảm lãi suất trong thời gian tới.

Vấn đề còn lại là cơ hội kinh doanh, hiện tại, một số lĩnh vực vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực chế biến chế tạo. Vì nhu cầu thị trường thế giới chưa phục hồi trở lại và thị trường trong nước dù có hướng tới nhưng việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh chưa đạt được mức kỳ vọng.

Vì vậy, việc đầu cung về nguồn vốn, nguồn lực các đối tác đã có tháo gỡ và tạo điều kiện tốt hơn, nhưng ở điểm cầu đó là thị trường trong nước để làm sao có được các dự án đầu tư mở rộng hoặc dự án đầu tư mới là vấn đề. Quay lại trở lại giải pháp ban đầu về mặt thị trường chúng ta đang triển khai, với hiệu quả hiệu ứng của các giải pháp đó, hy vọng nó sẽ tạo ra đường cầu tương ứng với phần cung mà chúng ta đã nới, làm sao để đầu tư của doanh nghiệp trong nước sẽ khởi sắc hơn những tháng cuối năm.

Với tất cả những đánh giá, giải pháp mà Thứ trưởng đã phân tích, ông kỳ vọng gì về sự phát triển của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm?

Hiện nay có rất nhiều các giải pháp và chính sách đang được triển khai thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng ban hành nhiều chính sách từ đầu năm đến giờ. Phần thực hiện và điểm rơi chính sách là vào 6 tháng cuối năm nên chúng tôi hết sức kỳ vọng.

Hơn nữa, Nghị quyết 105 với 6 quan điểm, 3 mục tiêu và 5 nhóm giải pháp, tôi cho rằng đây là một nghị quyết được kết tinh rất nhiều về trí tuệ về tham mưu, cũng như sự chỉ đạo điều hành quyết định của Chính phủ. Các cái giải pháp đề ra trong nghị quyết là đủ để chúng ta thực hiện từ nay đến cuối năm góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng.

Cá nhân tôi cũng hết sức tin tưởng với các giải giáp đề ra. Nếu như chúng ta thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả thì kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ tích cực hơn và sẽ đáp ứng được mục tiêu đề ra là phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong bối cảnh khó khăn này. Từ đó, chúng ta có thể hướng tới chặng đường dài hơn là thực hiện kế hoạch 5 năm mà Quốc hội đã phê duyệt, cũng như chiến lược 10 năm mà trung ương đã thông qua.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục