Hóa giải thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 2023

0:00 / 0:00
0:00
Trong kịch bản lạc quan nhất, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,46%, với một loạt đòi hỏi chuyển biến tích cực cả bên trong và bên ngoài.
Một yêu cầu quan trọng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đ.T Một yêu cầu quan trọng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đ.T

Ba kịch bản tăng trưởng năm 2023

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố đưa ra cập nhật dự báo về 3 kịch bản tăng trưởng năm nay.

Theo CIEM, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn còn có một khoảng cách so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023. Tuy vậy, 6 tháng đầu năm 2023 cũng đã giúp Việt Nam có những hình dung rõ nét hơn về bối cảnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nửa cuối năm 2023, cũng như các năm tiếp theo.

“Thực tiễn các năm 2020 - 2022 đã cho thấy, không ít lần, Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong 1 - 2 quý đầu năm, nhưng sau đó phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhận định.

Dựa trên các kịch bản khác nhau gắn với bối cảnh kinh tế thế giới, chính sách kinh tế trong nước, CIEM đưa ra 3 kịch bản chính.

Kịch bản 1 được xây dựng dựa trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 - 2022. Trong kịch bản này, Việt Nam có nỗ lực giải ngân đầu tư công, song chỉ đạt tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2017-2022. Dư nợ tín dụng chỉ tăng ở mức tương đối khiêm tốn.

Kịch bản trên dự báo tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64% so với năm 2022. Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2023 tăng 3,43% so với năm 2022. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công bằng với mức cao nhất từng đạt được trong giai đoạn 2017 - 2022 (82%). Đáng lưu ý, kịch bản này không có thay đổi đáng kể về cải thiện các quy định về môi trường kinh doanh, cải cách thể chế nhằm mở rộng không gian kinh tế và năng suất lao động.

Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo ở mức 5,72%. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66% so với năm 2022. CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87% so với năm 2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư 10,3 tỷ USD.

So với Kịch bản 1, thì Kịch bản 2 có kết quả tích cực hơn ở cả tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu và thặng dư thương mại. Tuy nhiên, lạm phát (theo CPI bình quân) trong Kịch bản 2 cao hơn một chút. Như vậy, chỉ tập trung vào nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà không có các cải cách đủ kịp thời và căn bản đối với môi trường kinh doanh, thì hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế có phần hạn chế và sẽ đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn.

Trong Kịch bản 3, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 chỉ giảm 2,17% so với năm 2022. CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39% so với năm 2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Kịch bản 3 đòi hỏi một loạt giả thiết, bao gồm cả bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, các cơ quan Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ và giải ngân đầu tư công, song hành với việc cải cách mạnh mẽ và hiệu quả về môi trường kinh doanh, các quy định và tăng năng suất lao động. Điểm quan trọng là có sự cải thiện đáng kể đối với niềm tin của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trong kịch bản trên, tốc độ tăng trưởng cao cũng đi kèm với mức lạm phát (theo CPI bình quân) cao hơn, thặng dư thương mại nhỏ hơn. Dù vậy, mức lạm phát 4,39% trong Kịch bản 3 vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra (4,5% cho năm 2023), dù cao hơn đáng kể so với kết quả lạm phát các năm trước.

Như vậy, tất cả các kịch bản mà CIEM đưa ra đều thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (ngày 4/7), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2023 với 2 kịch bản.

Cụ thể, Kịch bản 1 dự báo tăng trưởng cả năm đạt 6%; trong đó, tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.

Kịch bản 2 khả quan hơn, với tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Để đạt được kết quả tăng trưởng tích cực, ông Nguyễn Anh Dương kiến nghị cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, cần cải thiện việc tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động.

Ông Dương cũng đề nghị mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới như fintech, kinh tế tuần hoàn…

Chia sẻ vấn đề này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, cần phải thừa nhận một thực tế là giảm lãi suất chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. “Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân”, ông Bình nói.

Ông Bình lý giải, lãi suất cho vay giảm, nhưng cũng cần đi kèm với năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp gia tăng, cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn, hay các yếu tố khác như nguồn cung của thị trường nhà ở được cải thiện.

Để gia tăng cơ hội thị trường cho doanh nghiệp, các chuyên gia của CIEM khuyến nghị, cần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…, đồng thời nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN. Đặc biệt, cần đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.

Đối với thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo ông Nguyễn Anh Dương, yếu tố quan trọng là cần cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, trên cơ sở không trái với cam kết và thông lệ quốc tế, có sự đồng thuận của nhà đầu tư, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI.

Tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc theo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải, các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ trọng điểm; công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, ngành quốc gia, vùng, tỉnh và triển khai quyết liệt các quy hoạch đã được phê duyệt.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục