Phát biểu tại Hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” sáng nay (25/4), ông Nguyễn Văn Việt cho hay, với hàng loạt cuộc thanh, kiểm tra diễn ra trên cả nước, với sự vào cuộc của C49 – Bộ Công an trong vòng 7-8 tháng qua, đến nay, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được khống chế.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT
Cụ thể, trong năm 2015, việc sử dụng chất cấm được phát hiện ở hầu hết các lĩnh vực: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trong các cơ sở chăn nuôi trang trại lớn…
Điển hình là khu vực các tỉnh phía Nam trong 10 tháng đầu năm 2015: Đồng Nai đã phát hiện 109/654 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất Salbutamol (chiếm 16,7%), TP. HCM 95/516 (chiếm 18,4 %), (Đăk Nông 3/54 (5,6 %), Tây Ninh 5/9 (55,5 %), Tiền Giang 35/525 (chiếm 6,7 %) và Vĩnh Long 6/68 mẫu (chiếm 8,8 %)… Nồng độ chất Salbutamol trong các mẫu nước tiểu vật nuôi rất cao, đa số là trên 200 ppb, có mẫu lên tới 665ppb.
Tuy nhiên, sau các đợt kiểm tra cao điểm, số trường hợp vi phạm đã giảm hẳn. Cụ thể, đến cuối năm 2015, số cơ sở thức ăn chăn nuôi vi phạm chỉ còn 1,3 % so với 5,3% các tháng đầu năm; số mẫu nước tiểu vi phạm chỉ còn 6,1 % so với 16,2% các tháng đầu năm.
Sau khi triệt tiêu chất cấm, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tấn công mạnh vào thuốc kháng sinh trong thủy sản, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, sang các tháng đầu năm 2016, chưa phát hiện được cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm và phần lớn các địa phương ở khu vực phía Bắc và miền Trung là không phát hiện được các mẫu nước tiểu, mẫu thịt dương tính.
Ở phía Nam cũng đã có chuyển biến tốt, số lượng các mẫu nước tiểu dương tính phát hiện tại Đồng Nai chỉ có 2/128 (1,56%) mẫu dương tính, tương tự Thành phố HCM trong tháng 3 cũng chỉ phát hiện được 1,5% số mẫu nước tiểu có dương tính với chất cấm trong các lò mổ. Rõ ràng là vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát tốt.
Riêng trong tháng 4/2016, cơ quan thanh kiểm tra chỉ mới phát hiện duy nhất một trường hợp vi phạm ở Tiền Giang và đã tiến hành tiêu hủy (đây là trường hợp đã vi phạm lần thứ ba), cho thấy mức độ cứng rắn của cơ quan chức năng.
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho rằng, từ 1/7 tới đây, khi Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, việc sử dụng chất cấm sẽ bị khởi tố hình sự, tình trạng sử dụng chất cấm sẽ giảm mạnh. Bởi nếu bị phát hiện, người dân, doanh nghiệp không chỉ bị phá sản mà còn dính vào vòng lao lý.
Được biết, sau khi triệt tiêu chất cấm, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tấn công mạnh vào thuốc kháng sinh trong thủy sản, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.