Chấp nhận sự thật nhưng cần có niềm tin

(ĐTCK) Bài viết này được thực hiện trong bối cảnh đặc biệt: hàng triệu con tim người Việt Nam đang vui mừng với chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam trước Thái Lan ở trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008 ngày 24/12 và VN-Index vẫn giằng co ở khu vực cản 300 - 310 điểm.
Khi lãi suất xuống thấp thì nhiều dòng tiền đang núp chờ thời sẽ lại tuôn ra, khơi dòng chảy vào TTCK Khi lãi suất xuống thấp thì nhiều dòng tiền đang núp chờ thời sẽ lại tuôn ra, khơi dòng chảy vào TTCK

Chấp nhận sự thật

Một lần nữa, không vượt qua nổi mức 310 điểm, thị trường tiếp tục di chuyển chậm và không có xu hướng rõ ràng. Điều này phản ánh một thực tế là khi thị trường không thể tạo nên mẫu hình hồi phục ở mốc 350 điểm trước đây, thị trường cần phải tạo ra một đáy mới (hiện tại là 280 điểm) và mất nhiều thời gian để tích lũy và thật sự có thể đi lên. Điều này đồng nghĩa là thị trường phải đi lên "chậm rãi". Nó cũng hợp với quy luật của phân tích kỹ thuật, vì thị trường đã mất nhiều thời gian giằng co ở đỉnh trong năm 2007 thì cũng cần mất không ít thời gian để tích lũy ở đáy. Đó là một sự thật mà ta phải chấp nhận.

Sự thật thứ hai là chúng ta không thể tự ru ngủ mình rằng, kinh tế năm 2009 sẽ sáng sủa hay ít ảm đạm hơn dự báo, thậm chí chúng ta còn phải chuẩn bị cho mình tình huống năm 2009 có thể ảm đạm hơn dự báo.

Nhìn ra nước ngoài, tình hình phá sản, thua lỗ và cắt giảm việc làm tại Mỹ tệ hơn dự kiến (điển hình là số liệu về số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp mới đây của Mỹ). Các số liệu về tiêu dùng và mua hàng lâu bền (đại diện cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp) tưởng chừng tốt hơn, nhưng thật ra thì hai con số này đã quá xấu trong mấy tháng trước, cho nên số liệu công bố tốt hơn dự báo vừa qua của kinh tế Mỹ không có nhiều ý nghĩa lạc quan. Ngoài ra, không chỉ phương Tây, mà các thành trì kinh tế quan trọng tại châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc cũng bắt đầu "thấm đòn" của suy thoái kinh tế. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm vào tháng 10 vừa rồi (giảm khoảng 16 tỷ USD).

Còn Nhật Bản thì đã dự báo tăng trưởng cho năm tài khóa sắp tới (tính đến tháng 3/2010) là số 0 tròn trĩnh, nghĩa là không tăng gì cả (theo một số nhà kinh tế, không tăng trưởng âm đã là may!). Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do tình hình xuất khẩu khó khăn và nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như xe hơi, điện tử đều gặp khó khăn lớn, các hãng như Sony, Toyota, Canon đều giảm sản lượng và tiến hành cắt giảm nhân công. Thậm chí, để đảm bảo các công ty có vốn hoạt động, Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nhật Bản đã phải "bấm bụng" chấp nhận rủi ro, cho các ngân hàng thương mại lấy các giấy tờ có giá - tài sản thế chấp của các công ty, cầm cố lại tại NHTW để lấy tiền cho các công ty vay tiếp. Nghĩa là bây giờ, NHTW Nhật Bản phải đứng ra lĩnh lấy rủi ro mà các ngân hàng thương mại đã gánh trước đây. Mục tiêu chỉ là vì NHTW phải đảm bảo là doanh nghiệp có thể tiếp tục vay được tiền từ các ngân hàng thương mại, để đảm bảo ổn định tài chính. Bài thuốc này thì cũng không khác bài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay châu Âu làm mấy tháng trước bao nhiêu, có điều châu Âu với Mỹ thì dùng bài quốc hữu hóa một phần hay là cho tổ chức lớn vay tiền mua lại tổ chức có vấn đề, còn Nhật Bản thì dùng bài đi "nhận giùm" rủi ro tín dụng của các ngân hàng "chưa biết có vấn đề hay không". Có thể nói, hầu như không có nền kinh tế nào tránh khỏi tác động của suy thoái kinh tế thế giới.

Trong nước, gói kích cầu mà Chính phủ Việt Nam dự kiến tiến hành sẽ có một độ trễ nhất định để tác động vào nền kinh tế. Trong khi đó, tác động xấu của khủng hoảng kinh tế thế giới đến xuất nhập khẩu vẫn chưa nhìn thấy hết, mặc dù đã thấy một số tín hiệu kém lạc quan từ mấy tháng nay. Dường như chúng ta mới thấy người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của ta đang gặp khó khăn và thắt chặt chi tiêu, còn giá nhiều hàng hóa sơ chế, nguyên liệu thô thì giảm không phanh, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta cần chấp nhận một sự thật, tình hình kinh tế có thể xấu hơn dự đoán.

Sự thật thứ ba, thị trường Việt Nam không còn là "ngôi sao đầu tư". Nhiều "ông lớn" đầu tư của thế giới cho rằng, Trung Quốc là thị trường đầu tư tốt nhất năm 2009 trong số các thị trường mới nổi. Lý do chính là vì kế hoạch kích cầu 4.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 584 tỷ USD) cho nhà ở giá rẻ, giảm thuế, xây dựng cầu đường, sân bay và đường sắt. Một lý do nữa khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn là họ vẫn có mục tiêu tăng trưởng 8%, trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo 7,5% và các nhà phân tích khác dự báo khoảng 6%. Nghĩa là con số nào thì cũng hấp dẫn so với các con số tăng trưởng của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu EFPR Global, lượng tiền nhà ĐTNN đổ vào cổ phiếu Trung Quốc hiện nay lớn hơn cả Brazil, Hàn Quốc hay Đài Loan và đạt mức cao nhất trong 13 năm qua. Bất kể những nhận định hay phân tích trên có chính xác hay không, thì với số liệu thống kê về lượng vốn đổ vào những đối thủ cạnh tranh kể trên như vậy, nguồn vốn ĐTNN vào thị trường Việt Nam chắc hẳn sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Vẫn nên giữ niềm tin và cần sự tỉnh táo

Đến đây thì giống như người ta phân tích tương quan giữa đội tuyển bóng đá Thái Lan và Việt Nam trước khi chúng ta đá trận chung kết lượt đi tại Thái Lan vừa qua. Kết quả, chúng ta tạo nên kỳ tích. Cũng vậy, dù tình hình kinh tế và TTCK không có lợi, chúng ta cũng cần duy trì hy vọng. Đó là hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ làm nên kỳ tích, hay cho dù kinh tế Việt Nam thật sự khó khăn, thì các công ty niêm yết vẫn có thể vượt qua. Khó khăn kinh tế là mang tính hệ thống. Sẽ có doanh nghiệp phá sản, cắt giảm nhân công, lợi nhuận sụt giảm hoặc thua lỗ, nhưng không loại trừ việc nhiều công ty vẫn đạt được lợi nhuận khả quan. "Cái khó ló cái khôn" hay "cái khó bó cái khôn" phụ thuộc vào hai điều: một là khả năng điều hành kinh tế vĩ mô và sự hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước; hai là bản thân doanh nghiệp tự vận động. Trong những công ty niêm yết và cả chưa niêm yết, người viết tin rằng, vẫn có những công ty mà dòng tiền dự kiến sẽ ổn định và người lèo lái doanh nghiệp đủ khả năng mang lại lợi nhuận cho cổ đông.

Trận cầu lượt đi giữa Việt Nam và Thái Lan cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Chúng ta thấy rằng, bước chân sang đất người Thái là một chuyến đi mà nhiều người cho rằng, không có nhiều hy vọng. Lịch sử đối đầu không ủng hộ chúng ta và cách mà người Thái vào chung kết cũng được đánh giá là thuyết phục hơn chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn có thể gây "địa chấn". Cũng vậy, nhà ĐTNN bắt đầu giảm sự hưng phấn và quan tâm với thị trường nước ta, ta cần chấp nhận sự thật này qua số liệu về tình hình giải ngân FDI chậm và phản ứng của họ trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và cá nhân đầu tư, bất kể là "tây" hay "ta", còn bám trụ lại Việt Nam vẫn còn nhiều tiền mặt và nguy cơ suy giảm kinh tế không có nghĩa là ai cũng khó khăn như nhau. Mặt khác, khi lãi suất xuống thấp thì nhiều dòng tiền đang núp chờ thời sẽ lại tuôn ra, khơi dòng chảy cho thị trường. Trong nguy có cơ là vậy. Chúng ta cần niềm tin để tạo ra kỳ tích.

Nhưng nghĩ tới nguy và cơ thì phải tỉnh táo. Ví dụ, không thể vì ta đã thắng Thái Lan trong trận lượt đi mà cho rằng, ta chắc chắn sẽ đã đoạt chức vô địch. Cần tỉnh táo là ta chỉ thắng 2-1 mà thôi (trong khi có thể có yếu tố may mắn trong đó). Nhận định về kinh tế cũng vậy, không nên bi quan thái quá hay lạc quan thái quá. Khi tình hình có chuyển biến thì phải cập nhật tình hình và thay đổi chiến lược cho phù hợp. Không thể khi tình hình có chuyển biến thì chỉ trách cứ người khác hay vẫn duy trì niềm tin mù quáng vào dự đoán ban đầu. Tình hình hiện nay của ta còn phụ thuộc vào diễn biến cuộc khủng hoảng ở phương Tây và cách mà các nước phương Đông ở tình trạng giống ta đối đầu với khủng hoảng. Ví dụ, nếu như họ đồng loạt hạ giá đồng tiền để tăng xuất khẩu nhằm giữ việc làm và tăng trưởng, còn tỷ giá của ta thiếu linh hoạt thì có thể mọi việc lại chuyển biến theo chiều khác. Hay người Mỹ đột nhiên tăng sức mua hàng mà giá dầu vẫn thấp thì mọi việc sẽ lại tốt hơn. Đương nhiên, nếu dân Mỹ không tăng mua hàng mà lạm phát tại Việt Nam lại tăng cao vì nhiều công ty đóng cửa dẫn đến đình đốn sản xuất và do hiện tượng đầu cơ, thì tình hình sẽ ảm đạm hơn. Trong khủng hoảng, cần phải phản ứng nhanh nếu có tín hiệu thị trường đang đi ngược với dự đoán.

Dự đoán TTCK

Chuẩn bị kết thúc năm 2008, người viết xin góp một chút dự đoán về TTCK (không dám gọi là dự báo, chỉ giống như "đoán đại" tỷ số bóng đá mà thôi). Theo mẫu hình mùa các năm trước và phân tích sóng Elliott, có khả năng tháng 1/2009 TTCK nước ta sẽ khởi sắc hơn, nhưng tháng 2 đến tháng 4 thì không được thuận lợi lắm, một phần vì chu kỳ mùa các năm là vậy, phần vì các điều kiện kinh tế khó thể cải thiện nhanh. Tuy nhiên, từ tháng 5, mọi việc sẽ ổn định hơn vì kinh tế toàn cầu có thể bắt đầu đón tin đỡ xấu hơn (hoặc người ta đã bão hòa tin xấu) và kinh tế trong nước cũng vậy. Vì vậy, tháng 5 và tháng 6 thì TTCK cũng tốt hơn. Mặt khác, lúc đó thì NĐT bắt đầu nghĩ tới chuyện đón trước việc hồi phục kinh tế trong mấy tháng cuối năm mà mua thêm cổ phiếu. Hy vọng là mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn vào nửa cuối năm sau đối với NĐT. TTCK thường hồi phục trước nền kinh tế và luôn có những đợt "test" lên xuống để tạo hưng phấn cho NĐT.

Hồ Quốc Tuấn , Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Đại học Manchester, Anh
Hồ Quốc Tuấn , Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Đại học Manchester, Anh

Tin cùng chuyên mục