Chào sàn giá cao, cổ phiếu mới có hấp dẫn dòng tiền?

(ĐTCK) Nửa đầu tháng 6, một số doanh nghiệp đã và sắp gia nhập thị trường gây chú ý bởi mức giá chào sàn rất cao. Các doanh nghiệp không phải là những cái tên nổi tiếng, ở đó có gì đặc biệt để có thể tạo nên mức giá này?
Chào sàn giá cao, cổ phiếu mới có hấp dẫn dòng tiền?

TTT: Vốn nhỏ lãi lớn

Ngày 2/6 vừa qua, Công ty cổ phần Du lịch - Thương mại Tây Ninh niêm yết hơn 4,57 triệu cổ phiếu (mã TTT) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với giá tham chiếu 61.800 đồng/CP.

Là một công ty du lịch nên TTT có quy mô không lớn, vốn điều lệ chỉ 45,7 tỷ đồng (UBND tỉnh Tây Ninh nắm 80,83% vốn). Hoạt động kinh doanh của TTT gói gọn tại Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen (Tây Ninh) với các dịch vụ giải trí, vận chuyển và bán hàng cho khách du lịch.

Năm 2016, điểm đến này đón khoảng 2,35 triệu lượt khách giúp TTT đạt doanh thu thuần 296 tỷ đồng và lãi sau thuế 68 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,9% và 15% so với năm 2015. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là 18,65%, thu nhập trên cổ phần (EPS) đạt 6.874 đồng.

Với dòng tiền trực diện từ khách hàng, TTT rất ít phải vay nợ. Tại thời điểm 31/12/2016, nợ phải trả của TTT là gần 26 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đạt hơn 384 tỷ đồng, trong đó có hơn 60 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Năm 2017, TTT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 315 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 78,9 tỷ đồng. Kinh doanh hiệu quả nhưng tỷ lệ cổ tức của TTT không mấy hấp dẫn, ở mức 12 - 14% kể từ năm 2012 đến nay.

APF: sản xuất tinh bột sắn thu lãi trên 100 tỷ đồng

Một doanh nghiệp khác sắp chào sàn với giá cao là Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (APF). APF dự kiến lên UPCoM vào ngày 8/6 với giá tham chiếu 55.000 đồng/CP.

APF chuyên sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol. Báo cáo kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất của APF ghi nhận, doanh thu Công ty giảm từ 3.267,6 tỷ đồng xuống 2.850 tỷ đồng (-12,8%).

Lợi nhuận năm 2015 và 2016 tương ứng là 103,5 tỷ đồng và 78,9 tỷ đồng, ROE đạt lần lượt 23,6% và 19,1%, EPS là 7.663 đồng và 6.740 đồng. Giá trị sổ sách/cổ phiếu APF ghi nhận tại báo cáo tài chính năm 2016 là 34.096 đồng, bằng khoảng 62% giá tham chiếu ngày chào sàn của APF.

Mức giá cổ phiếu cao của APF cũng phần nào được lý giải qua mức trả cổ tức hào phóng của doanh nghiệp này. Tỷ lệ cổ tức năm 2015, 2016 lần lượt là 66,2% và 50,2% bằng tiền mặt. Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2017 là 40% vốn điều lệ.

Tại thời điểm kết thúc năm 2016, các khoản nợ của APF là 1.416,7 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 379 tỷ đồng. Theo APF, Công ty gặp áp lực trong việc quay vòng vốn và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Trong 2 năm tới, APF đưa ra lộ trình tăng vốn lên 130,7 tỷ đồng và 156,8 tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng 20%. Cùng với quy mô này, mức lợi nhuận ròng năm 2018 mà APF phấn đấu là 140 tỷ đồng. Cổ tức từ 40 - 50%.

APF có tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch cao. Cụ thể, trong vốn điều lệ hơn 108,9 tỷ đồng có gần 90% cổ phiếu nằm trong tay cổ đông nhỏ lẻ. 2 cổ đông lớn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vũ Văn Danh nắm 5,74% và Phó chủ tịch Vũ Lam Sơn nắm 6,19%.

HTG: ROE trên 25%

Ngày 14/6, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hoà Thọ đưa 22,5 triệu cổ phiếu (mã HTG) lên UPCoM. HTG có giá tham chiếu 27.000 đồng/CP, dù giá không bằng 2 doanh nghiệp trên, nhưng cổ phiếu này cũng đáng chú ý.

HTG là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, nắm 64,96%). HTG được  thành lập năm 1962, đóng trụ sở tại Đà Nẵng. Sau 7 năm từ khi cổ phần hóa, vốn điều lệ HTG là  225 tỷ đồng.

HTG sản xuất - kinh doanh sản phẩm vải, sợi, chỉ khâu, quần áo may sẵn, các loại thiết bị, nguyên phụ liệu, phụ tùng ngành dệt may. Trong đó, doanh thu sản phẩm may chiếm tỷ trọng lớn, tăng dần qua các năm, đạt gần 80% trong năm 2016.

Tính theo doanh thu thì Trung Quốc là thị trường mang lại doanh thu cao nhất cho HTG, chiếm 32,41% tổng doanh thu. Tuy nhiên, thị trường nội địa đóng góp vào lợi nhuận gộp cao nhất, chiếm tỷ trọng 28,88%.

Theo Bản cáo bạch, năm 2016, doanh thu HTG tăng trưởng nhẹ, duy trì trên mức 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 70 tỷ đồng mỗi năm, ROE trên 25%./năm. Quý I/2017, HTG báo cáo đạt 834 tỷ đồng doanh thu và 8,3 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tương ứng giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu ghi nhận đến cuối quý I là 16.781 đồng. Về chính sách cổ tức, từ năm 2014 đến nay, HTG chi trả cổ tức ở mức 20 - 30%.

Các mã chào sàn giá cao đều có đặc điểm đang ở trạng thái kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, đó là câu chuyện quá khứ. Để hấp dẫn dòng tiền, doanh nghiệp cần tạo được niềm tin với nhà đầu tư bằng sự minh bạch, khát vọng kinh doanh bền vững, hiệu quả. Nếu không, đẩy giá chào sàn cao và giữ một thời gian giá đó có thể chỉ là chiêu thức cho một nhóm cổ đông lớn “thoát hàng”.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục