Chào mùa Xuân biên giới

(ĐTCK) Lũng Cú xuân nay, nếu có thể chép lại lịch sử theo cách của người xưa, thì nên ngắn gọn một câu thế này: nửa xuân trước rét cắt thịt, nửa xuân sau thì tuyết rơi. 
Các chiến sĩ biên phòng đứng trước cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc trong một buổi tuần tra giáp Tết Các chiến sĩ biên phòng đứng trước cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc trong một buổi tuần tra giáp Tết

Lên tới đỉnh thượng cùng của Tổ quốc là núi Rồng Lũng Cú vào tiết xuân phân, tôi bị đóng băng hệt như những bông hoa lê nở sớm lác đác đã héo quặt vì khí lạnh ở nơi này. 

Chiếc nhiệt kế mắc trên tường của Trạm Kiểm soát biên phòng Lũng Cú chỉ 2 độ c, cách đây vài đêm, tuyết rơi phủ kín dải biên cương Phố Bảng, Đồng Văn, Lũng Cú. Người Hà Giang nói khoảng 2 giờ sáng tuyết bắt đầu rơi. Những người già tỉnh ngủ chạy ra sân thấy trời sáng rực, ngàn bông tuyết lơ lửng bay như đàn bướm trắng. Cả cao nguyên xám lạnh, cứng đờ trong giá buốt. Mũi ai nấy ửng đỏ vì dị ứng, những cánh tay thu thu trong bụng sau những lớp áo dày, không buồn nhúc nhích. Tôi cứ hờn trách vu vơ vì đêm trước phải ở trong một căn phòng không có cửa kính, gió lùa như róc thịt, không sao hết run rẩy chứ đừng nói là có thể ngủ được. Nhưng sáng hôm sau mới vội vàng hổ thẹn vì hiểu ra rằng, ở đây năm nào những tấm kính cửa cũng lách tách tự vỡ vì lạnh quá. Có những ngày xuân chỉ có chút ánh sáng ủi an từ sắc đào phai.

Có 2 đích đến mà tôi nhắm tới, là được đi cùng với lính biên phòng vào chuyến đi tuần tra khép kín đầu tiên của năm mới sau Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm giữa tháng 2 Dương lịch. Cách đây hơn 3 thập kỷ, vào những ngày tháng 2 này, máu xương lớp lớp người còn đổ xuống để giữ đất quê hương. Hầu như các đồn biên phòng đều trực quân số 70%, càng lễ tết, họ càng phải thường trực, không được lơ là nhiệm vụ. Từ Hà Giang, qua Cao Bằng, sang cuối trời Tây Bắc Lai Châu, nơi nào tiết trời cũng tụt xuống dưới 0 độ. Ban ngày không một sợi nắng, âm u trong giá buốt. Trong chuyến tuần tra tất niên, người lính hành quân trong đường tuần tra, trong lúc cắm con dao xuống vách núi để bám đu người lên, anh sơ sểnh bị con dao sắc xẻ vào bắp tay, vẫn còn băng bó. Trên biên giới, không có quãng đường nào trải hoa hồng, chỉ có những con đường tuần tra mòn đi mỗi ngày vì tai mắt bộ đội, vì dấu chân hàng ngày của các anh.

Chào mùa Xuân biên giới ảnh 1

Mong mãi mà nhiệt độ trên núi không nhích lên, chúng tôi lên đường hành quân vào lúc mờ sáng, lúc sương mù còn vây bọc trên núi Trà Lĩnh, biên giới Cao Bằng. Trên tay tôi là tài liệu ghi tọa độ của cột mốc 731/2 thuộc thôn Pò Rẫy, thị trấn Hùng Quốc. Đại úy Vũ Văn Dương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh băn khoăn không hiểu thời tiết giá buốt thế này, hoa đào trên núi có nở được không, hay bị đóng kín trong băng giá rồi. Tuyến biên giới trên dãy Trà Lĩnh có mốc 731/2 hiện có một cây hoa đào được đội phân giới cắm mốc của 2 bên Việt Nam và Trung Quốc trồng xuống trong quá trình phân giới. Đội cắm mốc của nước láng giềng nói rằng, cây hoa đào tượng trưng cho mùa Xuân và sự đơm hoa của tình đoàn kết theo triết lý phương Đông. Cả hai bên cùng cho rằng, cây hoa đào chẳng khác gì một cột mốc thứ 2, mềm mại tươi đẹp lại ý nghĩa nên cùng cam kết các đội tuần tra 2 bên biên giới phải bảo vệ chăm sóc như chăm sóc cột mốc đặc biệt 731/2.

Đường lên cột mốc trơn trượt vì sương giá, mưa xuân vỗ trời khiến không khí bảng lảng và đường hành quân càng lúc càng xa. Đại úy Dương dẫn các chiến sĩ trẻ chậm rãi leo lên đỉnh núi. Đứng từ xa nhìn tới, ngọn núi có cột mốc hoa đào, sườn dốc đứng và mỏm núi nhọn còn bọc trong sương. Trước Tết, tổ tuần tra đã tới đây, cây hoa đào vẫn chưa nở vì lạnh. Biên cương tê tái trải qua một đợt rét âm độ, mưa tuyết và sương giá đóng băng khiến cỏ cây cháy lá, héo rũ. Nhưng chỉ cần qua sáng Nguyên đán, chạm tới mùa Xuân, cây rừng bừng tỉnh, hoa nở dọc đường tuần tra. Lá non nhú nên như ngàn ánh nến. Những chiến sĩ trẻ vui ra mặt, háo hức lấy điện thoại ra chụp ảnh, hú vang cả cánh rừng. Văn Hoàng, binh nhì mới toanh của tổ hát vang một bài hát vui nhộn. Chúng tôi đứng đó dõi mắt nhìn ra xa một dải biên cương của Tổ quốc. Non nước Cao Bằng tháng 2 như một bức tranh thủy mặc. Dấu chân tuần tra trong bình yên của ngày hôm nay đã đổi bằng chính máu xương những người lính ngã xuống trên đất này.

Chào mùa Xuân biên giới ảnh 2

Tác giả Trương Thúy Hằng

Đội trưởng vũ trang Phạm Tuấn Tài nói, anh có thể thuộc từng ngọn cỏ trên con đường này, bởi với thâm niên hơn 3 năm ở đơn vị, chuyên làm nhiệm vụ tuần tra. Trung bình mỗi tuần, anh đi 2 lần vòng quanh biên giới, không biết bao nhiêu dấu chân người chiến sĩ này đã qua lại, nén chặt thêm đất biên thùy. Có khe núi rộng vài sải chân, các anh vắt ngang một cây rừng nhỏ để đi qua, thân cây đó đã mòn dấu chân đủ biết những người lính chưa khi nào rời xa những cột mốc, đường biên mà họ có nhiệm vụ bảo vệ.

Chúng tôi cứ người sau bám lưng người trước, cuối cùng cũng vượt qua 2 đỉnh núi cao. Cột mốc hoa đào vẫn ở phía cao, phía xa, lẫn vào trong sương mù. Con đường tuần tra này chỉ có thể xây lên bởi dấu chân của những người lính Biên phòng, chứ chẳng có phương tiện máy móc nào có thể tới được. Chừng đã đi chùng gối, mỏi chân, gắng leo lên vách núi hơn 1.000 m, theo chân những người lính, cuối cùng tôi cũng tới được cột mốc hoa đào trên đỉnh núi. Mây núi trên cao vần vũ và trong gió sương mờ ảo, cột mốc 731/2 sừng sững bên cạnh một gốc đào đã tỏa rộng đang chum chúm ngàn bông hoa. Cảnh sắc thanh bình và lãng mạn nhất mà tôi từng được chứng kiến: Những người lính sau chặng tuần tra tới đích đang nở những nụ cười tươi rói và ngắm nhìn những cánh hoa đào ngậm sương. Tôi lấy máy ảnh chụp lia lịa những mong ghi lại được khoảnh khắc ấy. Quanh năm chịu sương giá, nhưng cây đào luôn nở hoa rất đẹp, dù nở muộn, vẫn dành cho những người lính Biên phòng sự hứng khởi vô bờ bến khi mùa Xuân về.

Lính biên phòng gọi những tổ công tác cắm bản của họ là những ngôi nhà hạnh phúc. Quãng đường từ những ngôi nhà hạnh phúc đến đường biên giới rất gần. Đi bộ lên biên giới đầu năm là nghi thức riêng của lính biên phòng, hầu như tổ công tác nào cũng ra quân. Đó là cách họ chào mùa Xuân biên giới!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trương Thúy Hằng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục