Đây được xem làm bước tiến mới của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững (PTBV), xu thế tất yếu trong phát triển.
Phương pháp xây dựng chỉ số VNSI
Việc xây dựng VNSI dựa trên các nguyên tắc sau:
1. Điểm PTBV của doanh nghiệp niêm yết:
Chỉ số VNSI dựa trên nền tảng là điểm số PTBV của các doanh nghiệp thuộc VN100. HOSE thực hiện chấm điểm PTBV vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 hàng năm, sau khi các doanh nghiệp đã hoàn tất chuẩn bị Báo cáo thường niên và Báo cáo PTBV năm.
Việc chấm điểm PTBV được thực hiện độc lập dựa trên các thông tin công bố rộng rãi của doanh nghiệp và Bộ câu hỏi ESG do HOSE soạn thảo, nhằm đánh giá các hoạt động PTBV dựa trên 3 khía cạnh là Môi trường (Environment), Xã hội (Social) và Quản trị doanh nghiệp (Governance).
Được xây dựng một cách tổng quát, Bộ câu hỏi ESG có khoảng 81 câu hỏi đánh giá 3 khía cạnh Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp. Bộ câu hỏi ESG được xây dựng theo tiêu chuẩn báo cáo GRI cụ thể hóa các Mục tiêu PTBV (SGDs) của Liên hợp quốc như các vấn đề về Đối xử bình đẳng, Đảm bảo tài nguyên thiên nhiên, Sản xuất và Tiêu dùng có trách nhiệm…
Việc chấm điểm PTBV được thực hiện một cách bài bản, bao gồm thu thập dữ liệu, chấm điểm lần 1, rà soát chéo nội bộ và với bên thứ ba (Công ty Kiểm toán PwC), nhằm hạn chế tối đa sai sót trong khâu chấm điểm để đưa ra kết quả cuối cùng có độ tin cậy tốt.
Sau khi doanh nghiệp có số điểm cụ thể cho mỗi khía cạnh, điểm tổng hợp của doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh tỷ trọng theo ngành do mỗi ngành nghề có mức độ ảnh hưởng liên quan đến Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp khác nhau.
Cụ thể, điểm số về Môi trường của các công ty thuộc ngành Công nghiệp hoặc Năng lượng sẽ có tỷ trọng cao, chiếm 50% tổng số điểm, phản ánh tầm quan trọng của Môi trường liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; mặt khác, điểm số về Môi trường của các công ty thuộc ngành Tài chính có tỷ trọng 10% trong điểm tổng do tác động Môi trường của ngành Tài chính rất hạn chế.
Cuối cùng, các doanh nghiệp sẽ được lựa chọn vào chỉ số VNSI theo thứ tự về điểm PTBV và loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực được xem là có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
2. Sàng lọc loại trừ
Theo thông lệ, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được xem là nhạy cảm hoặc có rủi ro tác động đến ESG sẽ đủ điều kiện tham gia chỉ số bền vững. Quy tắc chỉ số VNSI đưa ra danh sách loại trừ, bao gồm các doanh nghiệp được phân ngành theo chuẩn GICS® vào những lĩnh vực sau:
- Vũ khí hoặc đạn dược;
- Thức uống có cồn (không bao gồm bia hoặc rượu nhẹ);
- Thuốc lá;
- Kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược hoặc tương tự;
- Văn hóa phẩm đồi trụy;
- Năng lượng nguyên tử;
- Than đá.
Theo Quy tắc chỉ số VNSI, HOSE sẽ lựa chọn cố định 20 cổ phiếu có điểm PTBV tốt nhất là thành phần của chỉ số VNSI. Vào các kỳ đổi rổ tiếp theo, VNSI sẽ xét tới điều kiện ưu tiên đối với các cổ phiếu thuộc kỳ trước (nếu cổ phiếu có điểm PTBV xếp từ vị trí 16 đến 25).
PTBV đang được các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm hơn do Thông tư 155/2016/TT-BTC đã yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo các nội dung về PTBV cho Báo cáo thường niên kể từ năm 2016. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp thật sự quan tâm đến vấn đề này còn tương đối hạn chế và mức độ đầy đủ thông tin cũng chưa đủ để tiệm cận đến quy chuẩn quốc tế.
HOSE lựa chọn số lượng 20 công ty nhằm khuyến khích các công ty quan tâm hơn đến PTBV. Một mặt là để vinh danh các doanh nghiệp đầu ngành về PTBV, mặt khác giúp các doanh nghiệp cùng ngành phấn đấu và hoạt động hiệu quả hơn, mang lại giá trị thiết thực cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được lựa chọn phải là những doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện PTBV và có điểm toàn diện về ESG.
Từ kinh nghiệm quốc tế…
Chỉ số VNSI là phiên bản “nhẹ” của các hệ thống chỉ số PTBV quốc tế như Dow Jones Sustainability Index, MSCI Sustainability Index, FTSE4Good, ISE (Thị trường Braxin) và VONIX (Thị trường chứng khoán Áo), được tinh giản bớt một số yếu tố như tính đại diện ngành trong danh mục, sử dụng phương pháp đánh giá Rating (thay vì Ranking đang áp dụng trong Quy tắc VNSI).
Bộ câu hỏi ESG hiện nay đang được thiết kế theo hướng tổng quát và thăm dò công tác thực hiện PTBV của doanh nghiệp. Kết thúc đợt chấm điểm trong năm 2017, HOSE thống kê trong top 50 doanh nghiệp niêm yết có điểm PTBV cao nhất, điểm bình quân về PTBV là 61%.
Số điểm của các công ty trong top 50 nằm trong khoảng từ 37-90%. Đạt trên 50% có 35 công ty và trên 80% chỉ có 4 công ty. Có thể thấy, Bộ câu hỏi ESG đã phản ánh rõ bức tranh toàn cảnh về PTBV của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE.
Việc triển khai các tiêu chí nâng cao nêu trên hiện nay chưa khả thi do mức độ PTBV của các doanh nghiệp niêm yết chưa đồng đều, các thông tin công bố chưa đầy đủ và còn thiếu khả năng xác thực. Điều này ảnh hưởng lớn đến tính chính xác và khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khi xây dựng chỉ số VNSI.
Theo Báo cáo Xu hướng đầu tư bền vững năm 2016, đầu tư bền vững đang đóng vai trò then chốt trên thị trường chứng khoán thế giới. Tính đến cuối 2016, hơn 60.000 tỷ USD đang được quản lý bởi hơn 1.300 công ty đầu tư cam kết đầu tư bền vững, trong đó 22.890 tỷ USD về tài sản được đầu tư theo chủ đề về ESG, tăng 25% từ năm 2014 và đại diện cho 25% tổng giá trị đầu tư toàn cầu.
Tại Canada, hơn 1.500 tỷ USD đầu tư vào các tài sản bền vững, tăng hơn 49% trong 2 năm qua và đại diện cho 38% lĩnh vực đầu tư tại Canada .
Gần đây nhất, trong năm 2017, Quỹ hưu trí Nhật Bản (GPIF), quỹ hưu trí lớn nhất thế giới có giá trị tài sản hơn 1.300 tỷ USD, quyết định đầu tư thụ động ban đầu là 7,8 tỷ USD vào 3 chỉ số quốc tế là FTSE Blossom Japan Index, MSCI Japan ESG Select Leaders index và MSCI Japan Empowering Women nhằm nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc cải thiện giá trị doanh nghiệp dài hạn .
Có thể thấy, xu hướng đầu tư bền vững (chủ động hoặc thụ động) phát triển mạnh mẽ hơn và đóng vai trò tích cực trong việc huy động vốn vào doanh nghiệp PTBV.
Tại Việt Nam, các quỹ trong nước thuộc Dragon Capital hoặc Vietnam Holding đã tích hợp các tiêu chí đánh giá PTBV trong việc ra quyết định đầu tư. Việc này đặt áp lực lên các doanh nghiệp niêm yết phải thay đổi tư duy PTBV hơn, minh bạch hơn, hoặc chấp nhận tụt hậu so với khu vực.
…Đến câu chuyện xây chỉ số VNSI và lợi ích cho doanh nghiệp
Chỉ số VNSI được ra mắt vào ngày 24/7/2017. Sau khi triển khai chỉ số này, HOSE dự kiến sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện chỉ số PTBV, chủ động tiếp xúc các bên liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quỹ đầu tư và doanh nghiệp niêm yết để nâng cao hơn nữa việc PTBV trên thị trường. Song song với đó, HOSE sẽ nghiên cứu triển khai các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, để họ hiểu hơn về PTBV và các giá trị mà PTBV mang lại.
Được lựa chọn vào VNSI là một lợi thế cho doanh nghiệp niêm yết định vị rõ ràng hơn trên thị trường chứng khoán. Có thể khẳng định, minh bạch thông tin PTBV sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá sát hơn năng lực doanh nghiệp và dễ dàng đưa đến quyết định đầu tư.
Một số vấn đề như minh bạch thông tin hơn, đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, hay đáp ứng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán sẽ vừa giúp doanh nghiệp nâng hạng khi đánh giá PTBV, vừa giúp doanh nghiệp hấp dẫn hơn với nhà đầu tư và đặc biệt, nâng cao môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Khi thị trường Việt Nam được nâng hạng, các tiêu chí đầu tư sẽ khắt khe và đòi hỏi các nội dung về PTBV. Chắc chắn các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác PTBV mới đủ điều kiện tiếp cận các dòng vốn này.