Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có khá nhiều chỉ số đo lường sự hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương như Chỉ số PCI, CSI, MEI. Thưa ông, có nhất thiết phải thêm một bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp nữa không?
Đúng là hiện nay đã có nhiều chỉ số đo lường hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính. Nói chung, những chỉ số này là thước đo các chính sách kinh tế vĩ mô; đánh giá việc điều hành kinh tế của bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh.
Ông Phạm Quang Vinh
Nói cách khác, các chỉ số này là thước đo đầu vào mà chưa có thước đo đầu ra. Chính vì vậy, Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) mới giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với VCCI xây dựng và công bố Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp.
Bộ chỉ số này được thực hiện định kỳ hàng năm trên cơ sở khảo sát, đánh giá, xếp hạng và công khai kết quả trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây chính là thước đo đầu ra, giúp đánh giá hiệu quả các cải cách.
Thưa ông, cụ thể thì Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp khác gì với các chỉ số của VCCI?
Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Tổng cục Thống kê chủ trì xây dựng Chỉ số phát triển doanh nghiệp của UBND cấp tỉnh, còn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xây dựng Chỉ số phát triển doanh nghiệp đối với các bộ, ngành.
Chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của UBND cấp tỉnh do sẽ có các số liệu, đánh giá về số doanh nghiệp đang hoạt động; doanh nghiệp thành lập mới; doanh nghiệp ngừng hoạt động; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp; vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp…
Còn các chỉ số của VCCI như PCI chẳng hạn, là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền cấp tỉnh về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh về gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…
Chúng ta đã có thước đo đầu vào, giờ kết hợp với thước đo đầu ra mới đo lường chính xác các cơ chế, chính sách, điều hành của các bộ, ngành, địa phương có thực sự hiệu quả không, có thực sự hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp vào ngân sách nhà nước không.
Hàng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều công bố số liệu về hoạt động của doanh nghiệp. Bản thân Tổng cục Thống kê định kỳ cũng công bố hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp rồi, thưa ông?
Số liệu về doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hàng tháng, hàng quý, hàng năm chỉ là những số liệu thuần túy về mặt thống kê. Còn số liệu do Tổng cục Thống kê công bố trên cơ sở khảo sát, điều tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh được thực hiện trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, mặc dù cũng có bình luận, đánh giá, nhận xét, nhận định, nhưng không thể so sánh được doanh nghiệp ở vùng nào, lĩnh vực nào, địa phương nào hoạt động hiệu quả hơn, do không có tiêu chí để xếp hạng.
Bộ chỉ số do Tổng cục Thống kê và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố tới đây không chỉ cho biết thực trạng bức tranh chi tiết về doanh nghiệp hàng năm như doanh thu, lợi nhuận, vốn bình quân; số doanh nghiệp từng ngành, từng địa phương lỗ/lãi bao nhiêu, lỗ/lãi bình quân thế nào, tăng hay giảm so với các lần công bố trước… mà sẽ có các chỉ tiêu để đo lường, xếp hạng, từ đó mới biết chính xác địa phương nào, bộ, ngành nào hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Áp dụng Bộ chỉ số này để đánh giá có chính xác không, khi mà số doanh nghiệp ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Sơn La, Lai Châu… chỉ bằng số doanh nghiệp của một vài phường ở Hà Nội, TP.HCM?
Chỉ số PCI, MEI đo lường sự cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh. Còn Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp được thực hiện dựa trên các số liệu sẵn có qua kết quả điều tra thống kê hàng năm. Dựa vào kết quả này, chúng tôi đưa ra các tiêu chí, mỗi tiêu chí có quyền số khác nhau, từ đó sẽ tính được số điểm mà mỗi bộ, ngành, địa phương đạt được để xếp hạng.
Hà Nội và TP.HCM chiếm 56,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nên cũng có ý kiến cho rằng, việc so sánh khó chính xác. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại vì sẽ có mẫu số chung để so sánh, đánh giá, xếp hạng. Việc đánh giá, so sánh, xếp hạng, ngoài quyền số của mỗi tiêu chí, còn tính đến yếu tố địa lý, vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực… thực sự khách quan, khoa học.
PCI, MEI chỉ đo lường sự cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh ở các địa phương một cách cảm tính, nhưng mỗi khi VCCI công bố, chưa thấy bộ, ngành, địa phương nào lên tiếng về việc tại sao họ bị xuống hạng so với lần công bố trước, mà đều căn cứ vào bảng xếp hạng để phấn đấu tăng hạng, cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hơn nữa. Vì thế, tôi cho rằng, Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp sau khi được công bố cũng không có địa phương, bộ, ngành nào cho rằng họ đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tốt như vậy, tại sao lại bị xếp thứ hạng thấp.