Khi cổ đông lớn bị… “qua mặt”

(ĐTCK) Câu chuyện cổ đổng lớn bị một số cổ đông khác đang nắm giữ vị trí quản lý, điều hành ở Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) “qua mặt” (*) một lần nữa là lời cảnh báo với các nhà đầu tư đại chúng về giải pháp tự bảo vệ để hạn chế nguy cơ rủi ro bị “xâm hại quyền lợi”. 
Khi cổ đông lớn bị… “qua mặt”

Ðó là, phải lựa chọn những doanh nghiệp có cổ đông lớn “sống chết” với công ty và có kinh nghiệm điều hành, kinh doanh hiệu quả và coi đó là nguyên tắc ưu tiên số 1 khi xem xét rót vốn.

Ở những doanh nghiệp mà thành viên chủ chốt có sở hữu cổ phần, nhưng sở hữu tại doanh nghiệp chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng tài sản cá nhân và họ duy trì doanh nghiệp chủ yếu để có các cơ hội kiếm lợi khác, cổ đông đại chúng sẽ khó mà mong những lãnh đạo này toàn tâm phát triển doanh nghiệp.

Thông thường, họ chỉ duy trì công ty ở mức độ kinh doanh “vừa phải”, không có khát vọng, động cơ kinh doanh thật sự hiệu quả. Kết quả, tài sản là cổ phiếu của hàng trăm, hàng nghìn cổ đông đại chúng bên ngoài dần dần giảm giá trị theo thời gian và không có cơ hội tăng trở lại. Cổ đông hầu như không có khả năng để tìm hiểu vì sao công ty kinh doanh không hiệu quả, nếu tìm cách thay đổi ban điều hành thì điều đó cũng rất khó khăn.

Hiện trạng các cổ đông bên ngoài, chiếm hơn 47% vốn cổ phần nghi ngờ PNC lỗ hoạt động kinh doanh chính từ năm 2013 đến nay (chỉ có một năm lãi không đáng kể) do có sự tư lợi trong hoạt động thuê địa điểm mở nhà sách, đầu tư mở nhà sách, thuê nhập khẩu phim…, là câu chuyện đáng suy nghĩ.

Cổ đông lớn đã gửi đơn khiếu nại Chủ tịch Hội đồng quản trị PNC, phản ánh những bức xúc của họ trước việc PNC có những sai phạm trong tổ chức, điều hành đại hội đồng cổ đông.

TS. Phan Văn Hiếu, nghiên cứu về quản trị công ty tại Ðại học Massachussetts Lowell, Mỹ cho rằng: “Câu chuyện tại PNC có thể là một trong các ví dụ điển hình về vô hiệu hóa quyền cổ đông lớn, gây ra bởi các hành vi cố vị của Ban điều hành”.

Xét về hiệu quả xã hội, khi doanh nghiệp có một ban điều hành không hiệu quả dẫn đến hoạt động kinh doanh sa sút, chiến lược kinh doanh không sáng sủa cần được thay thế bởi một đội ngũ quản trị điều hành mới tốt hơn. Tuy nhiên, nếu ban điều hành có các hành vi cố vị, họ vẽ ra nhiều cách để ngăn cản cổ đông thực hiện quyền, cũng như tìm cách hạn chế cổ đông đại chúng “soi xét” hoạt động doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến không ít lần, các cổ đông lớn tại doanh nghiệp bị một số người trong ban điều hành xâm phạm quyền lợi, cho dù họ đã trực tiếp tham gia hội đồng quản trị như trường hợp của Dragon Capital, Jacar trước đây tại Dầu Tường An.

Hay mới đây nhất là câu chuyện một số thành viên ban lãnh đạo cũ đã khai khống hàng tồn kho tại Gỗ Trường Thành (TTF), khiến cổ đông lớn rất vất vả để xử lý.

Một trong những cách xử lý là yêu cầu những người làm sai phải bồi thường một phần thiệt hại bằng tài sản cá nhân. Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn là ai bồi thường cho những nhà đầu tư đại chúng, đã bị thua lỗ quá lớn khi đầu tư vào TTF?

Trong kinh doanh, cơ hội luôn đi kèm rủi ro, nhưng doanh nghiệp sẽ chỉ nắm được cơ hội để mạnh lên nếu có một ban điều hành minh bạch, công bằng và toàn tâm vì hiệu quả của doanh nghiệp. Chọn lựa đầu tư, vì thế, không nên chỉ nhìn vào các yếu tố định lượng, mà cần quan tâm nhiều hơn đến các giá trị vô hình, trong đó có sự trung thực và toàn tâm của người lãnh đạo.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục