Chặng đường mới cơ cấu lại nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế chuẩn bị bước vào chặng đường mới với mục tiêu tham vọng hơn, song tác động của Covid-19 cũng khiến một số mục tiêu cụ thể chông chênh hơn.
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 ảnh: L.N Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 ảnh: L.N

Hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm

Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ hai, khai mạc vào ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Để chuẩn bị thẩm tra nội dung này, chiều 24/9, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về kế hoạch trên.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng, kế hoạch này được xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới 5 năm tới được dự báo là khó khăn và bất định hơn nhiều so với giai đoạn 2016- 2020, ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

So với dự thảo kế hoạch ban đầu, Dự thảo phục vụ hội thảo đã được cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 thời gian gần đây, từ đó, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp và điều chỉnh lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả, sát tình hình thực tiễn của đất nước trong 5 năm tới.

Trong bối cảnh mới, quan điểm đầu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020 (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng); đồng thời bổ sung các nhiệm vụ hướng tới tận dụng các cơ hội mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, dài hạn như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, áp lực đô thị hóa, chất lượng môi trường... để phát triển nhanh, bền vững.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm.

Kế hoạch cũng nêu một số chỉ tiêu đáng chú ý, như giảm dần thâm hụt ngân sách nhà nước, cả giai đoạn bình quân 3,7% GDP. Đến năm 2025, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hàng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP...

Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp khó khả thi

Trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Dự thảo kế hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Đây là một chỉ tiêu khá nhiều thách thức bởi Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, nhưng thực tế mới đạt khoảng 812.000 doanh nghiệp.

Gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận, TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, chỉ tiêu phấn đấu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đã được đặt ra trong Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, dự kiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, nên dự báo mục tiêu này khó khả thi.

Do đó, ông Sơn cho rằng, cần làm rõ việc vẫn giữ nguyên mục tiêu này hay cân nhắc điều chỉnh mục tiêu khoảng 1 - 1,2 triệu doanh nghiệp cho phù hợp hơn với tình hình thực tế, từ đó điều chỉnh số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn tương ứng.

“Vấn đề đặt ra là phải xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, mức độ sẵn sàng liên kết khu vực đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu”, ông Sơn gợi mở.

Về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, đến năm 2020 mới có trên 811.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 700.000 doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu do số lượng doanh nghiệp giải thể, rút khỏi thị trường còn ở mức cao. Do vậy, mục tiêu đạt được 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, theo ông Cương, khó có thể đạt được.

Về giải pháp, ông Cương kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo khu vực kinh tế tư nhân hoạt động trong một môi trường công bằng với các khu vực khác, được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực cho phát triển kinh doanh.

Nghiên cứu và có các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là các mô hình kinh doanh gắn với hoạt động đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên (như mô hình kinh doanh vì người thu nhập thấp, mô hình kinh doanh tuần hoàn, mô hình kinh tế chia sẻ…) cũng là kiến nghị được ông Cương nêu tại hội thảo.

Lần đầu tiên rõ ràng về không gian kinh tế

Cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong những vấn đề lớn được gợi ý thảo luận tại Hội thảo.

TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, Dự thảo kế hoạch nêu 6 quan điểm, trong đó có 2 quan điểm trực tiếp đề cập vấn đề cơ cấu lại không gian kinh tế.

Một là, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm...

Hai là, căn cứ vào điều kiện cụ thể của các ngành, vùng, địa phương để xác định trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của ngành, vùng, địa phương cho phù hợp, nhằm khai thác lợi thế so sánh và tập trung nguồn lực nâng cao năng suất và hiệu quả, đảm bảo cho nhiều người dân được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng.

“Đây là lần đầu tiên, quan điểm về cơ cấu lại nền kinh tế được trình bày một cách rất rõ ràng về nội dung cơ cấu lại không gian kinh tế”, ông Thắng nhấn mạnh và hoàn toàn đồng ý với cách tiếp cận này.

Theo ông Thắng, điều này đã thể hiện được đúng tinh thần Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng các quy hoạch phát triển theo tinh thần Luật Quy hoạch 2017.

Tuy nhiên, những giải pháp để thực hiện mục tiêu rất mới này cũng như giải pháp của toàn bộ Dự thảo kế hoạch, theo ông Thắng, cần được làm rõ hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp thu những ý kiến xác đáng của các chuyên gia, hoàn thiện báo cáo thẩm tra về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai.

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đạt 90%

Về cơ cấu lại đầu tư công, mục tiêu được đặt ra cho giai đoạn mới là bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước khoảng 10 - 11%. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân trung bình giai đoạn 2021- 2025 là 90%, số dự án hoàn thành chiếm 90% tổng số dự án được bố trí vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những giải pháp được nêu tại Dự thảo kế hoạch là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của dự án đầu tư công, giám sát, đánh giá kết quả quản lý đầu tư công và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục