Chiều 24/9 Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (kế hoạch).
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh mong muốn được tham vấn ý kiến của các chuyên gia về việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung theo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội, nhận diện khách quan, chính xác cả kết quả tích cực đạt được cùng những hạn chế, yếu kém, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với từng nội dung cụ thể trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Khuyến khích các mô hình kinh doanh mới
Dự thảo kế hoạch nêu rõ, diễn biến phức tạp và nặng nề của đại dịch Covid-19 đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần tập trụng cho những giải pháp ngắn hạn, cấp bách, hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Bối cảnh trong nước và quốc tế cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển. Cả cơ hội và thách thức đều đòi hỏi Việt Nam cần đẩy nhanh và thực hiện quyết liệt, có kết quả rõ ràng hơn qua quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, phát huy được tiềm năng, phục hồi nhanh, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu phát triển.
Trong bối cảnh mới, quan điểm đầu tiên được nêu tại Kế hoạch là tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020 (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng).
Mục tiêu tổng quát được đặt ra tại Kế hoạch là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo,đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, hài hoà với văn hoá, an sinh xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh.
Dự thảo kế hoạch cũng đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể tại 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Như, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, giảm dần thâm hụt ngân sách nhà nước, cả giai đoạn bình quân 3,7% GDP. Đến năm 2025 tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hẳng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP, kinh tế số chiếm 20% GDP...
Một chỉ tiêu quan trọng nữa là phấn đấu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.
Đây là một chỉ tiêu khá nhiều thách thức khi mà Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp nhưng thực tế mới đạt khoảng 812.000 doanh nghiệp.
Dự thảo Kế hoạch xác định nhiều giải pháp để phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh như tăng cường chuyển đổi số, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ chuyển đổi số, tối thiểu 100 doanh nghiệp thành công điển hình trong chuyển đối số, chú trọng lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Khuyến khích hình thành và phát triển các mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững, như mô hình kinh doanh tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh doanh vì người thu nhập thấp...cũng là giải pháp được nêu tại dự thảo.
Năm 2025 xử lý xong các tập đoàn yếu kém
Về cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 cơ bản hoàn thành quá trình cơ cấu lại sở hữu doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất. Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống mức sàn theo quy định tại tất cả doanh nghiệp nhà nước và hoàn thành thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc diện duy trì cổ phần, vốn góp của nhà nước.
Quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong xử lý những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, đến 2025 xử lý xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Kế hoạch nêu rõ.
Phần nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo kế hoạch xác định, thực hiện nhất quán và triệt để nguyên tắc thị trường trong việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính, vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.
Kế hoạch cũng xác định thực thi nghiêm kỷ luật hành chính và nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm làm chậm tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để xác định rõ hình thức sai phạm, mức độ xử lý cũng như xác định rõ cấp có thẩm quyền đánh giá và xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hoàn thành kế hoạch, cổ phần hoá, thoái vốn.
Sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2021, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định ở kỳ họp thứ hai, khai mạc ngày 20/10/2021.