Chặn làn sóng hàng giá rẻ qua thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
Làm gì để chặn làn sóng hàng giá rẻ chảy qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, Taobao, 1688… là câu hỏi cấp thiết đặt ra với cơ quan chức năng.
Chặn làn sóng hàng giá rẻ qua thương mại điện tử

Thất thu thuế lớn

Cùng với “cơn bão” Temu, hàng loạt sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein, Taobao, 1688, AliExpress, Pinduoduo, JD.com… đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Các sàn này thường khuyến mại lớn, lôi kéo người dùng và mở kênh cho người Việt nhập hàng trực tiếp.

Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện những ứng dụng trung gian, cho phép người Việt tìm sản phẩm, đặt hàng, thậm chí có tính năng trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) gợi ý sản phẩm đang bán chạy và lợi nhuận dự kiến trên các kênh.

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trung bình mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop… Giá trị mỗi đơn hàng dao động 100.000 - 300.000 đồng. Với số lượng này, mỗi tháng có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử.

Hàng hóa giá rẻ chảy vào Việt Nam qua kênh thương mại điện tử, nhưng lại không phải chịu thuế, bởi theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và VAT. Đây là một trong những cơ chế được Việt Nam áp dụng sau khi tham gia Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto).

“Mỗi ngày trung bình có khoảng 900 tỷ đồng và mỗi năm là khoảng 328.500 tỷ đồng giá trị hàng hóa giao dịch. Giả sử thuế nhập khẩu 5% và thuế VAT 10%, thì số thuế nhập khẩu và VAT bị thất thu lần lượt là 16.425 tỷ đồng và 34.492 tỷ đồng, tổng thất thu thuế khoảng 50.917 tỷ đồng mỗi năm”, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín tính toán.

Không chỉ thất thu thuế, mà làn sóng hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam còn cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước. Các kênh tiêu thụ, phân phối cũng chịu ảnh hưởng lớn. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, nguy cơ nhiều doanh nghiệp nội địa sẽ phải đóng cửa do không thể cạnh tranh về giá và quy mô sản xuất.

“Những sàn như Taobao, Temu, Shein… bán hàng vào Việt Nam mà không phải nộp thuế. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất cao, khiến họ không thể cạnh tranh một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM (RUPA) thẳng thắn.

Cần thay đổi chính sách thuế

Hiện chính sách áp thuế cho hàng hóa nhập khẩu qua sàn TMĐT xuyên biên giới đang được nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Anh, Singapore, Thái Lan… áp dụng. Chính sách này được đánh giá cao khi giúp doanh nghiệp có môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp bản địa trước làn sóng hàng giá rẻ thâm nhập.

Với làn sóng mới này, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi bằng việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ và quản trị để giảm chi phí… Còn Nhà nước cần có chính sách phù hợp với tình hình mới.

Ông Hoàng Ninh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị đã chủ động xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện để tăng cường quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó, tăng cường quản lý TMĐT xuyên biên giới, cũng như đề xuất sửa đổi Quyết định 78/2010/QĐ-TTg.

Bộ Công thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu, lưu thông thông qua các sàn TMĐT mà chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, số lượng hàng hóa và số miễn thuế đang rất lớn, con số thất thoát thuế rất cao. Vì thế, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay.

“Cơ chế chính sách của chúng ta phải phù hợp với điều kiện từng giai đoạn. Năm 2010, Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, quy định không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng tình hình hiện đã khác, ứng dụng hải quan điện tử chỉ cần vài giây là đã xong thủ tục, chúng ta không cần phải miễn nữa. Hiện EU, Anh, Thái Lan đã bãi bỏ quy định hàng hóa có giá rẻ nhập khẩu không phải chịu thuế. Việt Nam cần sớm điều chỉnh chính sách này”, ông Thịnh nói.

Tương tự, PGS-TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết, trước đây Việt Nam tham gia Công ước Kyoto là để giảm bớt thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế là phù hợp. Nhưng hiện nay, thời gian và thủ tục thông quan không còn là trở ngại.

“Khi thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, số lượng các giao dịch nhỏ là vô cùng lớn. Tuy số thuế miễn cho một giao dịch là rất nhỏ, nhưng với số lượng giao dịch rất lớn thì khoản thất thu thuế trở nên đáng kể. Việc miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ một mặt làm thất thu thuế, mặt khác khiến cho môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp không bình đẳng ”, ông Trường nhận xét.

Ông Frederic Neumann, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng HSBC cho rằng, việc “cấm cửa” hoàn toàn những sàn như Temu, Shein, Taobao… không phải ý tưởng hay, bởi làn sóng này cũng có những mặt tích cực như giúp người tiêu dùng được hưởng giá thấp, giúp các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng, thúc đẩy đầu tư vào logistics.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể đưa ra quy định chi tiết để thúc đẩy các nhà sản xuất Việt được tham gia vào nền tảng xuyên biên giới, đảm bảo không có sự phân biệt về thuế giữa hàng ngoại và nội. Việc này để bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng nhập giá rẻ qua mua sắm online.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục